F0 liên tục gia tăng, hiện nhiều trường học Điện Biên liên tục điều chỉnh lịch và phương pháp dạy học phù hợp.
F0 liên tục gia tăng
Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục Điện Biên, từ ngày 7 (thời điểm mở cửa trường học trở lại sau Tết Nguyên đán), đến 16 giờ ngày 20/2 tỉnh này ghi nhận 734 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên (HSSV) mắc covid-19 Trong đó, đa phần là học sinh sinh viên, với 646 ca.
Thành phố Điện Biên Phủ hiện đang được xem là điểm “nóng” với số F0 tăng hàng chục ca mỗi ngày. Đơn cử, chỉ tính từ 16 giờ ngày 19 – 16 giờ ngày 20/2, địa phương này ghi nhận thêm 74 F0, với 70 ca là HSSV.
Tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, sau một vài ngày mở cửa đã xuất hiện F0 là học sinh. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên này, đến nay (ngày 21/2) số F0 tăng lên 18 trường hợp. Trong đó, 17 trường hợp là học sinh.
Còn Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên riêng ngày 19/2, qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện gần 40 ca. 2 ngày liên tiếp sau (20, 21) ghi nhận gần 10 ca. Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng nhà trường thì đến nay số F0 đã ghi nhận tại đơn vị là 61 trường hợp. Toàn bộ trong số này đều là HSSV.
Giáp ranh với địa bàn thành phố, Trường THCS Thanh Xương (huyện Điện Biên) hiện ghi nhận 2 ca F0 là học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Long thì ngay từ trong tết đơn vị đã cập nhật thông tin cán bộ, giáo viên, học sinh để chủ động lên phương án mở cửa.
Trường yêu cầu xét nghiệm sàng lọc đối với toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và khuyến khích phụ huynh xét nghiệm cho học sinh trước khi nhập trường để bóc tách F0. Ngoài ra, những trường hợp nguy cơ cao (lịch trình về từ địa phương có dịch; xuất hiện biểu hiện bất thường: ho, sốt…) đều được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà từ 7 – 14 ngày theo quy định.
“Đến ngày 16 trường ghi nhận 1 học sinh F0, ngày 19 tiếp tục thêm 1 học sinh, đều thuộc khối 9. May mắn là do đã được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu nên số F1 được hạn chế nhiều, chỉ có 7 em”, thầy Long nói.
Còn theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên thì đến sáng 21/2 toàn ngành ghi nhận 55 ca nhiễm Covid-19, với 517 F1. Trong đó, có 47 F0 và 475 F1 là học sinh.
Số ca F0 tại nhiều trường học ở Điện Biên gia tăng mỗi ngày, chủ yếu trong số đó là học sinh.
Sẵn sàng trở thành “nơi điều trị F0”
Với số ca F0 tăng cao bất ngờ, Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên hiện đã dành riêng 1 khu ký túc xá để bố trí làm nơi điều trị cho học sinh mắc bệnh. Theo Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù trước đó chỉ có phương án xử lý khi xuất hiện học sinh, giáo viên là F1, song trường không bị động.
“Ngay trong tối 19/2, khi ghi nhận số F0 tăng đột biến, trường đã họp khẩn. Đồng thời, chính quyền địa phương, lực lượng Y tế đã có mặt cùng phối hợp hướng dẫn cách thức tổ chức ăn, nghỉ; khử khuẩn, xử lý vệ sinh, rác thải; theo dõi sức khỏe và sắp xếp ổn định cho toàn bộ học sinh liên quan”, cô Mai chia sẻ.
Cũng theo cô Mai, tình hình sức khỏe của từng HSSV được theo dõi, cập nhật thường xuyên. Bất cứ trường hợp nào có biểu hiện bất thường, ho, sốt… đều được bóc tách ra khu vực riêng và báo ngay cho cơ sở y tế để vào hỗ trợ.
“Với tình hình này, trường quyết định chuyển sang học trực tuyến toàn bộ từ 21/2. Hiện nay, hơn 650 HSSV toàn trường, trong đó bao gồm cả số F0 điều trị trong cơ sở y tế và tại ký túc đều đảm bảo sức khỏe. Các em tham gia học trực tuyến bình thường”, bà Mai cho biết thêm.
Đối với Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (thành phố Điện Biên Phủ), để chủ động ứng phó với diễn biến dịch bệnh, cơ sở này đã điều chỉnh phương án tổ chức, lịch học tập theo từng ngày. Ngoài 5 lớp có F0 trước đó, ngày 21/2 trường tiếp tục quyết định cho thêm 12 lớp chuyển trạng thái học trực tuyến do có học sinh được xác định người thân là F0 và nguy cơ cao. 8 lớp còn lại vẫn đang duy trì học trực tiếp 2 buổi/ngày.
Giáo viên Trường THCS Thanh Xương (huyện Điện Biên) triển khai dạy học trực tuyến. Ảnh NTCC.
Mặc dù chưa ghi nhận F0, song theo thầy Lê Đức Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hưng (huyện Biên Biên) thì trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhà trường cũng đã chủ động điều chỉnh kịch bản để phù hợp với tình hình.
Toàn bộ số học sinh thuộc diện F1 và nguy cơ cao đều được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà để hạn chế thấp nhất khả năng lây nhiễm trong trường học. Để đảm bảo quyền lợi cho các em, những lớp có số học sinh này đều tổ chức dạy học song song trực tuyến và trực tiếp.
“Thời khóa biểu cũng như hình thức học của từng lớp sẽ được nhà trường chủ động điều chỉnh, dựa trên diễn biến thực tế của dịch bệnh. Ngoài ra, với sự phối hợp của chính quyền và y tế địa phương, nhà trường cũng sẵn sàng phương án điều trị tại chỗ nếu F0 tăng cao”, thầy Thịnh chia sẻ.
Trước đó, ngay khi mở cửa trường học sau Tết theo lịch (7/2), ngành Giáo dục Điện Biên đã có dự báo trước về nguy cơ số ca mắc Covdi-19 tại các trường học sẽ tăng cao. Trên cơ sở đó, ngành giao quyền tự chủ cho các đơn vị trường học trong việc chủ động điều chỉnh phương thức dạy học phù hợp, dựa trên tình hình và cấp độ dịch thực tế tại địa bàn.
Tính đến sáng 21/2, toàn ngành Giáo dục Điện Biên có 10 đơn vị trường học tạm dừng cho học sinh đến trường, chuyển đổi sang dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác. Trong đó, huyện Tủa Chùa 8 trường (3 Mầm non, 3 tiểu học, 1 THCS, 1 THPT), huyện Điện Biên 2 trường THCS. |