Thứ năm, 25/04/2024 | 13:43
RSS

Người hiến kế dùng lu chống ngập bất ngờ xin nghỉ phép dài ngày

Thứ ba, 16/07/2019, 20:57 (GMT+7)

Phó Giáo sư Hồng Xuân - người hiến kế dùng lu chống ngập đã xin nghỉ phép dài ngày.

Người hiến kế dùng lu chống ngập bất ngờ xin nghỉ phép dài ngày
Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân

Ngày 16/7, PGS. Phan Thị Hồng Xuân – Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX - chủ nhân của đề xuất dùng lu chống ngập đã xác nhận với báo giáo dục Việt Nam về việc xin nghỉ phép dài ngày của mình.

PGS Hồng Xuân chia sẻ, rất cần nghỉ ngơi sau biến cố quá lớn đối với bản thân, cô rất buồn vì bị hiểu sai ý và bị cho là ngớ ngẩn. Cô Xuân cũng đã có báo cáo với Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (nơi cô Xuân đang công tác và hiện là Trưởng khoa Đô thị học) về những phát biểu trước Hội đồng nhân dân Thành phố vừa qua. PGS Hồng Xuân cũng có nói rõ những ý tứ mà dư luận chưa hiểu và phân tích tích cực.

Trước đó, tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX, chiều 12/7, bà Phan Thị Hồng Xuân, đã đề xuất sáng kiến nên trang bị lu cho người dân để chống ngập. 

“Trước mỗi ngôi nhà ở nông thôn, chúng ta thấy có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Theo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực, họ cũng sử dụng cái lu này để chống ngập nước.

Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này tại TP bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình, phi công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà, một cộng đồng dân cư một lu nước to để hứng nước mưa”- đại biểu Phan Thị Hồng Xuân ‘hiến kế’

Đề xuất này ngay lập tức gây xôn xao dư luận, nhiều người cho rằng đây là giải pháp hài hước, không thực tiễn, thiếu hiệu quả và có thể gây bùng phát dịch sốt xuất huyết  

Trả lời Infonet về đề xuất nêu trên, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: “Ý của chị Xuân là hình tượng hóa, tôi nghĩ vì không có thời gian nên chưa nói được hết ý. Thật ra, từ hình tượng cái lu mình có thể chuyển sang với thành phố là có thêm nhiều hồ điều tiết trong các khu dân cư”.

“Ý là tốt nhưng diễn dịch chưa tới, nhưng từ đó có thể hình dung ra các công trình trong khu đô thị mới nên phát triển những hồ nước, vừa tạo ra cảnh quan để điều tiết khí hậu, nhiệt độ và giảm ngập. Vì thời gian không có nên Xuân không nói hết, chúng ta nên thông cảm” – ông nhận định.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN