Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:34
RSS

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nói gì về đề xuất chống ngập bằng lu gây 'bão'?

Thứ bảy, 13/07/2019, 09:20 (GMT+7)

Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, đề xuất lu nước để chống ngập đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra trong chương trình về chống ngập chứ không phải tự bà suy diễn ra.

Đề xuất chống ngập do mưa bằng... lu nước: Các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra?
Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. HCM khóa IX vào chiều ngày 12/7, Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM - đã bất ngờ đưa ra lời đề xuất với UBND TP.HCM về sáng kiến trang bị lu nước để chống ngập khiến cả hội trường phải bật cười.

Nữ PGS.TS cho rằng, người dân ở nông thôn thường trang bị các lu nước rất to để mỗi lần mưa xuống là hứng nước mưa, vừa tích trữ được nước sinh hoạt vừa giảm lượng nước trôi ra ngoài gây ngập úng.

“Trước mỗi ngôi nhà ở nông thôn, chúng ta thấy có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Theo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực, họ cũng sử dụng cái lu này để chống ngập nước.

Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này tại TP bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình, phi công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà, một cộng đồng dân cư một lu nước to để hứng nước mưa”- đại biểu Phan Thị Hồng Xuân ‘hiến kế’

Bà Xuân cũng cho rằng đây là một sáng kiến, một giải pháp rất dễ và mọi người dân đều tham gia để cùng thành phố chung tay chống ngập do mưa, theo Vietnamnet. 

Tuy nhiên, ý kiến này sau đó gây xôn xao dư luận, không ít người bày tỏ sự phản đối, cho rằng đây là đề xuất "hài hước, không khả thi", thậm chí có thể gây bùng phát lại dịch sốt xuất huyết (?)...


CLIP: Nữ đại biểu HĐND hiến kế mua lu chống ngập

Trả lời báo Trí thức trẻ, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho biết, sau khi báo chí thông tin về đề xuất của bà, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện rất nhiều ý kiến, bình luận khiếm nhã và nhiều học trò, đồng nghiệp cũng nhắn tin hỏi han.

Bà Xuân cũng cho biết rằng mình đã đọc các thông tin trên báo chí phản ánh về ý kiến phát biểu của bà tại phiên họp HĐND TP vào chiều cùng ngày và nhiều ý kiến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo bà, có thể mọi người chưa hiểu hết ý của bà về đề xuất này. 

Cụ thể, bên cạnh các giải pháp công trình và phi công trình nhằm tránh ngập do nước mưa mà lãnh đạo TP nêu trong báo cáo, cũng như ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, bà đã xin chia sẻ kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á và châu Á áp dụng, đồng thời là tri thức bản địa ở vùng nông thôn Việt Nam.

"Khi phát biểu tôi có nêu rõ, trong điều kiện ngân sách TP còn eo hẹp mà phải xử lý nhiều vấn đề quan trọng, thay vì xây 1 hồ chứa nước lớn tốn nhiều tiền, chúng ta có thể trang bị cho người dân khu vực ngập do nước mưa gây ra mỗi nhà 1, 2 cái lu (mang tính mỹ thuật) như 1 giải pháp tạm thời.

Đề xuất lu nước này cũng đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra trong chương trình lắng nghe trao đổi về chống ngập vừa qua chứ không phải tự tôi suy diễn ra.

Theo đó, JICA cho rằng, nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình trong điều kiện của mình xây 1 bể chứa nước 1m3 thì không những góp phần chống ngập mà còn giúp tiết kiệm nước sạch. 

Nước mưa trữ trong bể có thể dùng để tưới cây, rửa xe... thay nước máy. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng dùng giải pháp này để chống ngâp. Đây được coi là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu", PGS Hồng Xuân nêu lại ý kiến phát biểu.

Bà Xuân cũng cho biết một ĐBQH đã chia sẻ với bà rằng tại chùa Pháp Võ ở khu vực Nhà Bè thường xuyên bị ngập do mưa lớn đã áp dụng biện pháp này. Cụ thể là dùng các lu, hồ xây để chứa nước mưa, giảm bớt nguy cơ úng ngập. 

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN