Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:51
RSS

Người gieo cảm xúc từ văn chương bước ra đời thực

Chủ nhật, 04/12/2022, 16:49 (GMT+7)

Từng rất ghét môn Văn song Trịnh Lê Minh Châu (lớp 7B, Trường THCS Cù Chính Lan) đã dần thay đổi nhờ được đánh thức cảm xúc.

Người gieo cảm xúc từ văn chương bước ra đời thực

Em Trịnh Lê Minh Châu (áo trắng) bên cô giáo Phạm Thị Giang - người đã gieo cảm xúc giúp nữ sinh yêu thích môn Văn.

Nữ sinh xứ Thanh không chỉ yêu đời, yêu người hơn sau mỗi giờ học, mà còn nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn.

Niềm vui trong năm học mới

Bất ngờ, vỡ òa và sung sướng là cảm xúc của cô và trò Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa), khi tác phẩm “Người gieo cảm xúc” được Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa lựa chọn tham gia cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022.

Đây là tác phẩm của em Trịnh Lê Minh Châu và Lê Thị Bảo Ngọc (lớp 7B) viết về cô giáo của mình - cô Phạm Thị Giang, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường THCS Cù Chính Lan.

Cảm xúc lâng lâng, cô Giang hồ hởi chia sẻ: “Sau khi thực hiện video, cả cô và trò đều bận rộn với nhiệm vụ của năm học mới. Vì vậy, có những lúc dường như tác phẩm được giữ lại vào một góc nào đó sâu thẳm trong tâm hồn. Tuy nhiên, khi Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa thông báo kết quả, không chỉ cô và trò mà tất cả thầy cô trong trường đều vỡ òa cảm xúc”.

Theo cô Giang, tác phẩm dự thi của cô và trò nhà trường được thực hiện vỏn vẹn trong một buổi sáng, khi vừa kết thúc năm học 2021 - 2022. Nhân vật chính của tác phẩm là cô học trò Trịnh Lê Minh Châu, vốn là học sinh không yêu thích môn Ngữ văn.

Bởi trong suy nghĩ của cô học trò xứ Thanh, Ngữ văn dài dòng và rất tẻ nhạt. Vì vậy, nữ sinh mặc định cho mình là người không có thiên hướng văn chương,...

“Thế rồi, cô xuất hiện như một bà tiên làm thay đổi hoàn toàn cảm xúc của em về môn học này. Hóa ra Văn không tẻ nhạt như em vẫn nghĩ mà đầy sức sáng tạo và lôi cuốn khiến em lần đầu cảm thấy nuối tiếc khi giờ học kết thúc”, Minh Châu bộc bạch.

Tình yêu với môn Văn cứ thế lớn dần trong cô học trò xứ Thanh sau mỗi giờ học. Nữ sinh cũng ấp ủ cho mình hoài bão sẽ trúng tuyển vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lam Sơn và nuôi ước mơ trở thành cô giáo giảng dạy môn học từng là nỗi ám ảnh của mình.

“Văn không chỉ mang lại suối nguồn sáng tạo mà còn giúp em suy nghĩ chín chắn hơn trong cuộc sống. Và, cô Giang chính là người gieo cảm xúc để chúng em thêm yêu trường, yêu lớp, yêu môn học và yêu cả nghề cầm phấn trắng đầy cao quý ấy”, Minh Châu chia sẻ.

Người gieo cảm xúc từ văn chương bước ra đời thực

Cô Giang cùng học trò trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp thành phố, năm học 2022 - 2023.

Từ yêu văn tới yêu đời, yêu người

Cô Phạm Thị Giang gắn bó với mái Trường THCS Cù Chính Lan từ năm học 2021 - 2022, khi nhà trường bắt đầu triển khai đề án nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ những ngày đầu về nhận công tác, nữ nhà giáo xứ Thanh được phân công khối lớp 6, lớp 7. Đây cũng là khối lớp đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Áp lực với trọng trách mới, song cô Giang luôn cảm thấy dồi dào năng lượng, bởi học trò nơi đây không chỉ chăm ngoan mà còn vô cùng ham học.

“Trong mỗi giờ học, tôi luôn cố gắng tạo cho các em tâm thế thoải mái nhất. Bởi khi không áp lực về tâm lý, trò sẽ thả lỏng cảm xúc và dễ dàng tiếp thu bài học hơn”, cô Giang bộc bạch.

Với nhiều học sinh chuyên về các môn tự nhiên, Ngữ văn dễ trở thành nỗi ám ảnh. Vì vậy, cô Giang thường gợi mở vấn đề và đánh thức cảm xúc trong mỗi học trò, thúc đẩy tư duy theo từng tầng bậc từ thấp đến cao. Bắt đầu từ nhận diện, khám phá rồi đến thể hiện quan điểm cá nhân,... Nhờ vậy, học sinh luôn cảm nhận vấn đề trong tầm giải quyết của mình.

“Khi học trò có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường rẽ sang hướng khác như kể một câu chuyện hay trong đời sống để các em bớt căng thẳng. Từ đó, không khí lớp học cũng giãn ra nhằm tạo cảm xúc mới cho học trò”, cô Giang chia sẻ thêm.

Không chỉ giảng dạy kiến thức trong sách giáo khoa, cô Giang còn liên hệ mở rộng ra ngoài đời sống, giúp học trò lĩnh hội kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ vậy, Văn không còn tẻ nhạt mà trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn trong cảm nhận của học trò.

“Niềm hạnh phúc mà tôi cảm nhận được đó là sau mỗi giờ học, các em hiểu được giá trị của văn chương và biết cách vận dụng vào đời sống. Có những cô, cậu học trò còn thể hiện tình yêu với cha, mẹ của mình bằng chính những bài viết vô cùng xúc cảm.

Một số em khác cũng bắt đầu viết đúng mô hình, thể loại. Đặc biệt, các em có ý thức trong từng câu, chữ. Nhìn những trang viết với nét chữ gọn gàng, ngay ngắn càng khiến tôi thêm yêu nghề dạy học”, cô Giang bộc bạch.

19 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, nhà giáo Phạm Thị Giang từng nhiều lần được học trò nhắc tới trong chính những trang viết của mình. Tuy điều đó không khiến nữ giáo viên bất ngờ song đây là món quà tinh thần vô giá mà những người “cầm phấn trắng” vinh dự nhận được.

“Tôi không quá bất ngờ mỗi khi có học trò viết về mình, bởi hàng ngày các em vẫn thể hiện tình yêu thông qua lời nói. Tuy nhiên, với bản thân đây là món quà tinh thần vô giá, niềm hạnh phúc của người dạy học, giúp mỗi nhà giáo nỗ lực và tận tụy hơn với nghề”, cô Giang chia sẻ.

Khép lại năm học 2021 - 2022, nhà giáo Phạm Thị Giang cùng học trò của mình đoạt 2 giải Nhất cùng 1 giải Ba môn Văn cấp thành phố. Năm học này, cô và trò đặt mục tiêu giữ vững thành tích đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời, có nhiều học trò trúng tuyển vào ngôi trường chuyên của tỉnh.

Thầy Dương Minh Anh - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” 2022 là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Đây là một trong những sân chơi giúp trò có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình, để rồi trưởng thành hơn trong cuộc sống.

“Đây là lần đầu tiên nhà trường có tác phẩm dự thi, vì vậy cả thầy và trò nhà trường đều rất vui mừng. Đặc biệt, tác phẩm lại mang một cái tên rất ý nghĩa đó là - Người gieo cảm xúc. Thông qua cuộc thi, học trò thêm yêu trường, yêu cô và yêu môn học. Đồng thời, cũng là dịp để các em rèn luyện kỹ năng viết, khả năng thuyết trình và được phát triển toàn diện”, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan khẳng định.

L.Toán – H. Đức
Theo Giáo dục & Thời đại