Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:35
RSS

Người đàn ông tử vong sau 2 ngày chữa rắn cắn bằng mẹo dân gian

Thứ ba, 16/08/2022, 19:50 (GMT+7)

Sau 2 ngày được hàng xóm lai đến nhà một người dân ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài để chữa trị vết rắn cắn bằng mẹo dân gian, ông Đ. đã tử vong tại nhà riêng.

Sự kiện:
Bình Phước

Thông tin trên Báo pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 16/8, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an TP Đồng Xoài tổ chức khám nghiệm hiện trường, làm rõ cái chết của một người đàn ông trên địa bàn. Nạn nhân được xác định là ông Dương Hoàng Đ. (64 tuổi, phường Tân Thiện, TP Đồng Xoài).

Trước đó, ngày 13/8, ông Đ. phát hiện một con rắn bò vào cổng nhà nên dùng tay không bắt rắn. Không may, ông Đ. bị con rắn cắn vào tay phải. Tuy nhiên, cho rằng con rắn không có độc nên ông Đ. không đi bệnh viện điều trị.

Một ngày sau, hàng xóm của ông Đ. là anh Bùi Văn Trường (38 tuổi) sang nhà chơi, sau khi nghe ông Đ. kể lại sự việc bắt rắn, biết đó là loại rắn hổ mèo thuộc loài rắn độc nên kiểm tra vết rắn cắn ở trên cánh tay ông Đ.

Phát hiện chỗ vết cắn ở cánh tay ông Đ. bị sưng, anh Trường vội vã lấy xe máy chở ông Đ. qua nhà một người dân ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài để chữa trị bằng mẹo dân gian. Đến tối ngày 15/8, ông Đ. cảm thấy mệt trong người rồi tử vong tại nhà.

Người đàn ông tử vong sau 2 ngày chữa rắn cắn bằng mẹo dân gian

Con rắn hổ mèo khiến người đàn ông tử vong. Ảnh: Báo Người lao động

Như báo chí đã đưa tin, thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do bị rắn độc cắn nhưng không đến bệnh viện điều trị. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra vào tháng 7/2022 tại xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, theo Báo Công an nhân dân, vào ngày 10/7, nghe tin có rắn bò vào nhà hàng xóm bắt trộm gà, ông Trần Văn C. (SN 1957 ngụ xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) cùng con trai và một số người dân khác qua hỗ trợ vây bắt. Nghĩ đó là rắn ráo trâu không độc, ông C. sử dụng tay không đào bới để bắt rắn.

Khi lôi được con rắn ra ngoài, ông C. dùng bao bịt đầu rắn nhưng không may bị con rắn này cắn vào tay. Nghĩ rắn không có nọc độc nên ông C. không đến bệnh viện điều trị, nhưng sau đó tay ông thâm tím, bắt đầu hoại tử thì người nhà mới vội vàng đưa ông C. đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình nguy kịch.

Dù được bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục nhưng tình trạng sức khỏe của ông C. ngày càng xấu đi. Sau khi được đưa về nhà theo nguyện vọng của người thân, đến rạng sáng ngày 12/7 thì ông C. tử vong.

Hay vào tháng 5/2022, một người đàn ông ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An cũng tử vong sau khi bị rắn cắn. Theo Báo Người lao động, vào khoảng 13h30 ngày 10/5 ông V.V.D. (SN 1969, trú tại bản Mòng 1, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong) cùng một người bạn đi quăng chài đánh cá ở xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong thì bất ngờ bị một con rắn hổ mang cắn vào vùng mặt.  Con rắn cắn ông D. bị người đàn ông 53 tuổi này và bạn đi cùng đánh chết rồi đem về nhà. Đến khoảng 15h cùng ngày, ông D. đã tử vong tại nhà.

Để bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh, cần ghi nhớ một số lưu ý sau khi bị rắn cắn:

- Khi thấy người bị rắn cắn không nên chờ đợi mà đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế thăm khám; không nên có tâm lý chủ quan, chỉ khi thấy những biểu hiện nghiêm trọng như suy hô hấp, vết thương hoại tử lan rộng,… mới cần cấp cứu.

- Không nên áp dụng những bài thuốc dân gian để sơ cứu người bị rắn cắn nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Không sử dụng băng garo cột chặt vùng bị rắn cắn để tránh làm đau nạn nhân, cản trở lưu thông máu đến các chi gây hoại tử.

- Không tự ý chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây,… lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

- Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc để tránh làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng.

- Người bị rắn cắn không nên dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể.

- Không nên cố gắng bắt bằng được rắn mà nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và cách rắn tấn công. Nếu có thể, hãy chụp ảnh rắn từ khoảng cách an toàn để giúp bác sĩ nhận dạng và hỗ trợ cho quá trình điều trị nhanh chóng hơn.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại