Thứ ba, 19/03/2024 | 12:27
RSS

2 người bị rắn cắn nguy kịch trong lúc đi cắt lá sả trên núi

Thứ năm, 18/03/2021, 15:43 (GMT+7)

Cả 2 bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ điều trị do bị rắn chàm quạp cắn, tình trạng rất nguy kịch.

Sự kiện:
An Giang

2 người bị rắn chàm quạp cắn nguy kịch trong lúc đi cắt lá sả trên núi

Anh T. bị rắn chàm quạp cắn trong lúc đi cắt sả trên núi. Ảnh: NLĐ

Ngày 18/3, BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho báo NLĐ biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị 2 bệnh nhân bị rắn chàm quạp cắn.

Trường hợp đầu tiên anh N.V.T. (24 tuổi, ngụ huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang). Anh T. cho hay, trước đó anh bị rắn chàm quạp cắn vào ngón 3 bàn tay phải khi đi cắt lá sả. Ngay sau khi bị rắn cắn, anh T. đã đi hút nọc rắn điều trị nhưng tình trạng vẫn không giảm. Vết thương bị rắn cắn đau nhức dữ dội, rải rác có bóng nước, xuất huyết tự nhiên. 

Thời điểm được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, vết thương sưng tấy và hoại tử bàn tay phải. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định anh T. bị biến chứng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu nặng khiến vết thương chảy máu liên tục.

2 người bị rắn chàm quạp cắn nguy kịch trong lúc đi cắt lá sả trên núi

2 người bị rắn chàm quạp cắn nguy kịch trong lúc đi cắt lá sả trên núi

4 tiếng sau đó, bà B. cũng nhập viện vì bị rắn chàm quạp cắn khi đi cắt sả. Ảnh: NLĐ

Trường hợp thứ 2 là bà L.T.B.B. (52 tuổi, là hàng xóm của anh T.), nhập viện 4 giờ sau đó vì rắn cắn khi đi cắt lá sả tại cùng địa điểm của anh T. Sau khi bị rắn cắn, bà B. có tự đi bó thuốc nhưng tình trạng ngày càng nặng mới đến cơ sở y tế để điều trị.

Thời điểm nhập viện, vùng cẳng bàn tay trái bà B. bị hoại tử và sưng nề tấy đỏ lan rộng, nổi nhiều bóng nước kèm với tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết dưới da toàn thân. 

Tình trạng bệnh của bà B. sau đó tiến triển nặng, sốc nhiễm trùng nghĩ từ viêm mô tế bào cẳng tay trái, biến chứng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu nặng, Xuất huyết tiêu hóa

Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, nôn ra máu tươi, huyết áp thấp, suy hô hấp nặng cần phải đặt ống thở và gắn máy trợ thở. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ngưng được máy thở, rút được ống thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Cả hai bệnh nhân trên đã được chuyển đến điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) điều trị tích cực. Các bác sĩ đã truyền các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh điều trị tình trạng rối loạn đông máu của nọc rắn chàm quạp.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng hỗ trợ trong việc cung cấp sinh phẩm huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp để trung hòa nọc rắn cho bệnh nhân.

Tối ngày 17/3 cả 2 bệnh nhân điều được xử lý cắt lọc, rạch giải áp khoang cẳng bàn tay bên bị rắn cắn. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân B. ổn định. Riêng anh T. đang được điều trị tích cực tình trạng rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu.

2 người bị rắn chàm quạp cắn nguy kịch trong lúc đi cắt lá sả trên núi

Rắn chàm quạp là một trong những loại rắn cực độc

Trao đổi với PL&BĐ, Bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa ICU cho hay, rắn chàm quạp (rắn lục Mã lai), rắn lục nưa là một trong những loài rắn cực độc. Độc tố loại rắn này chỉ sau rắn biển (đẻn biển).

Đây là loại rắn độc rất nguy hiểm thường gây tai nạn ở các nước vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á.Rắn Chàm quạp thường gặp ở vùng trồng nhiều cây cao su và cây điều thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, núi Cấm (An Giang) và khu vực núi đá vôi Nam bộ như Kiên Lương, Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang).

Bác sĩ Phước khuyến cáo, khi bị rắn cắn người dân nên xử trí theo các bước sau: Đầu tiên sơ cứu tại nơi xảy ra tai nạn mục đích làm chậm hấp thu nọc rắn vào cơ thể. Trấn an nạn nhân, thường họ rất hoảng sợ. Bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố.

Tiếp đến, rửa sạch vết thương; băng chặt chi bị cắn với băng vải, băng bắt đầu từ phía trên vết cắn để hạn chế hấp thu độc chất theo đường bạch huyết. Sau đó chuyển nhanh chóng bệnh nhân đến Bệnh viện.

Người dân không nên rạch da, hút nộc độc bằng miệng hay giác hút, đặt garot vì có thể gây nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc và chảy máu. Ngoài ra, tất cả các trường hợp rắn cắn đều phải theo dõi tại BV 24 giờ đầu, ít nhất 12 giờ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại