Thứ tư, 16/10/2024 | 07:27
RSS

Người đàn ông ngộ độc botulinum ở TP.HCM tử vong sau hơn 10 ngày chờ thuốc giải

Thứ sáu, 26/05/2023, 06:52 (GMT+7)

Sau hơn 10 ngày điều trị, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum đã không qua khỏi, không kịp truyền thuốc giải 8.000 USD do WHO viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.


Bệnh nhân điều trị Botulinum tích cực. Ảnh Báo Lao động.

Trưa 25/5, thông tin với PV VTC News, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) xác nhận một bệnh nhân ngộ độc botulinum đã tử vong khi chưa kịp truyền thuốc giải độc.

Được biết, đã hơn 10 ngày nằm điều trị tích cực, người đàn ông 45 tuổi cùng 6 bệnh nhân khác đã được các bác sĩ hỗ trợ các phương pháp tích cực để duy trì sự sống. Tuy nhiên, bệnh nhân 45 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) đã tử vong vào tối ngày 24/5.

Trước đó, bệnh nhân được điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng liệt cơ, phải thở máy, điều trị kháng sinh. Sau đó, bệnh nhân này biến chứng nặng, phải chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), tình trạng bệnh nhân dần chuyển biến xấu lâm dần vào suy đa cơ quan, ngưng tim và tử vong.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bộ Y tế đã đàm phán tích cực với WHO viện trợ khẩn cấp được thuốc giải BAT (8.000 USD/lọ) - với 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố Botulinum đã về tới TP Hồ Chí Minh. Ngay sau khi thuốc giải được bàn giao từ chuyên gia của WHO, Bộ Y tế đã tiến hành phân phối cho các bệnh viện.

Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, 3 lọ còn lại được Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trước đó bệnh nhân 45 tuổi đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải.

Cũng trong sáng 25/5, thông tin với PV Báo Lao động tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã được phân phối các lọ thuốc giải độc Botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam

Tuy nhiên, hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại đây sẽ không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khoẻ thực tế không còn cho phép. Hiện, các bệnh nhân ở đây đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

Theo thông tin trên Báo Dân Trí, từ ngày 13/5, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện.

5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày. Trong 6 bệnh nhân, 3 anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền 2 lọ thuốc giải BAT cuối cùng ở Việt Nam.

 

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại