Thứ hai, 25/11/2024 | 03:10
RSS

Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa nặng gần 3kg cắn tử vong

Thứ ba, 12/07/2022, 17:53 (GMT+7)

Ông C. dùng tay không để bắt rắn hổ mang chúa dài hơn 2m, nặng gần 3kg thì không may bị rắn cắn vào tay và tử vong sau đó do nọc độc rắn di căn vào thận.

Sự kiện:
Đồng Nai

Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa nặng gần 3kg cắn tử vong

Con trai ông C. bắt con rắn hổ chúa dài hơn 2m khi ông bị cắn vào tay. Ảnh: Báo Lao động

Ngày 12/7, Chủ tịch UBND xã Phú hội (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) Tô Anh Quốc xác nhận với Báo Thanh niên, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc người đàn ông bị rắn hổ mang chúa (dài hơn 2m, nặng gần 3kg) cắn tử vong.

Nạn nhân là ông T.V.C. (65 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội). Trước đó, ngày 10/7, nghe tin có rắn bò vào nhà hàng xóm bắt trộm gà, ông Cần cùng con trai và một số người dân khác qua hỗ trợ vây bắt. Ông C. dùng tay không đào bới để bắt rắn, khi lôi được con rắn ra ngoài, ông dùng bao bố bịt đầu rắn thì không may bị rắn cắn vào tay.

Do nghĩ đó là rắn hổ vện (còn gọi là rắn ráo trâu) không độc nên ông C. chủ quan, không đến bệnh viện khám. Khoảng 5h sau đó, thấy tay ông C. thâm tím, bắt đầu hoại tử thì người nhà mới đưa ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ nhận định nọc độc rắn di căn vào thận. Dù được lọc máu liên tục nhưng tình trạng sức khỏe của ông Cần ngày càng xấu đi, nguy kịch. Sau khi được đưa về nhà theo nguyện vọng của người thân, đến rạng sáng 12/7 thì ông C. tử vong.

Theo báo Lao động, sau sự việc trên, chính quyền địa phương đã khuyến cáo các hộ dân không nên tự ý bắt rắn nếu không có kinh nghiệm hoặc phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị rắn cắn, không chủ quan nếu không am hiểu về rắn để tránh những tổn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nguồn tin trên Báo VNExpress cho biết, hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới với chiều dài tối đa khoảng 7 m.

Hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm vì nọc cực độc, tuy nhiên chúng không chủ động tấn công con người. Khi bị rắn cắn, nọc độc phát tán ra cơ thể làm liệt tứ chi, cơ hô hấp trong thời gian rất nhanh. Trong trường hợp khống chế không cho nọc độc phát tán, nếu không có huyết thanh kháng nọc, bệnh nhân sẽ suy đa phủ tạng, tổn thương tim dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người bị rắn độc cắn cần đến bệnh viện ngay để được điều trị, truyền huyết thanh giải nọc độc kịp thời, tránh nọc độc xâm nhập vào các bộ phận cơ thể khiến quá trình điều trị khó khăn, tốn kém thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Triệu chứng khi bị rắn độc cắn

• Đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 - 30 phút;

• Vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da;

• Các dấu hiệu khác bao gồm: Buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, đôi khi nạn nhân còn nhận thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng.

Các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau khi bị rắn độc cắn cần sơ cứu ngay, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Có thể người khác giúp đỡ hoặc do bản thân bệnh nhân tự làm, cụ thể như sau:

• Trấn an người bệnh.

• Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

• Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

• Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

• Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

• Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

• Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12h đầu. Nếu trễ sau 24-48h, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại