Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:11
RSS

Ngộ độc thuốc trừ sâu: Dấu hiệu và cách xử trí sơ cứu

Thứ hai, 23/11/2020, 10:55 (GMT+7)

Có không ít các trường hợp tử vong với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu do không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sơ cứu đối với người ngộ độc thuốc trừ sâu.

Ngộ độc thuốc trừ sâu: Dấu hiệu và cách xử trí sơ cứu

Ảnh minh họa

Dấu hiệu ngộ độc thuốc trừ sâu

Khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cơ thể có những dấu hiệu đặc trưng như:

- Da bị kích thích, có cảm giác bỏng, rát, toát mồ hôi nhiều, da xạm tái. 

- Mắt bị ngứa, cũng có cảm giác bỏng, rát, chảy nước mắt, nhìn mờ, đồng tử mắt bị co lại hay giãn ra. 

- Hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng với cảm giác bỏng rát ở miệng và họng, tiết nước bọt nhiều, nôn, mửa, đau bụng và tiêu chảy. 

- Hệ thần kinh bị tác động với triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tâm thần, co giật, choáng váng, nói líu lưỡi, không có ý thức. 

- Hệ hô hấp cũng biểu hiện triệu chứng ho, tức ngực, khó thở và thở khò khè…

Những biểu hiện trên thường dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng khác, chẳng hạn như co giật, nhiễm độc rượu, đột quỵ hay phản ứng với insulin. Do đó nếu nghi ngờ một người bị ngộ độc, cần tìm kiếm thêm những manh mối liên quan để xác định.

Ngộ độc thuốc trừ sâu: Dấu hiệu và cách xử trí sơ cứu

Sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Ảnh minh họa

Cách xử trí sơ cứu đối với người ngộ độc thuốc trừ sâu

Trong khi chờ sự trợ giúp y tế, với từng trường hợp ngộ độc có thể thực hiện các bước sơ cứu khi bị ngộ độc như sau:

- Bước 1:

Trường hợp nuốt phải chất độc: Loại bỏ tất cả tạp chất còn sót lại trong miệng của nạn nhân. Nếu nghi ngờ chất độc là chất tẩy rửa gia dụng hoặc một số loại hóa chất khác, cần đọc thông tin trên nhãn của bao bì và làm theo hướng dẫn xử trí ngộ độc do tai nạn nếu có;

Trường hợp chất độc trên da: Cởi bỏ quần hoặc áo đã bị dính chất độc bằng găng tay. Rửa sạch da trong vòng 15 - 20 phút dưới vòi nước chảy;

Trường hợp chất độc trong mắt: Nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước mát hoặc nước ấm trong ít nhất 15 phút hoặc cho đến khi có sự giúp đỡ từ các nhân viên y tế;

Trường hợp hít phải chất độc: Đưa nạn nhân vào nơi có không khí trong lành càng sớm càng tốt.

- Bước 2: Nghiêng đầu nạn nhân sang một bên nếu có nôn để tránh nghẹn. Bắt đầu hô hấp nhân tạo nếu người bị ngộ độc không có dấu hiệu của sự sống, chẳng hạn như cử động, thở hoặc ho.

- Bước 3: Liên hệ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn thêm và nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Ngoài ra, mang theo chai, gói thuốc hoặc bao bì có nhãn và tất cả thông tin có liên quan đến chất độc để gửi cho đội cứu thương cùng với nạn nhân.

Trong quá trình xử trí ngộ độc, cần dựa vào những triệu chứng và độ tuổi của người bệnh, cũng như loại chất gây ngộ độc và mức độ nhiễm độc để tiến hành chính xác các bước sơ cứu khi bị ngộ độc.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN