Ngày 21/11, báo PN Onlien đưa tin về trường hợp bà Nguyễn Thị T. (68 tuổi, ở quận 6, TP.HCM) bị chấn thương phần mềm đầu gối, tụ máu bầm sau khi nhờ “thầy” bấm huyệt chữa bệnh. Được biết, bà T. bị bệnh đái tháo đường, đau khớp. Nghe lời bạn giới thiệu, bà đã mời một ông thầy (tự xưng thầy Tư, 60 tuổi) ở huyện Bình Chánh đến chữa cho mình bằng cách xoa bóp, bấm huyệt.
Ngay hôm sau, thầy Tư cầm túi đồ nghề với chiếc… búa gỗ tìm đến nhà. Sau khi hỏi bà T. vài câu, thầy phán bà bị phong tà xâm nhập và vôi hóa cứng khớp gối, rồi dùng hai bàn tay xoa đầu gối của bà T. để “vôi tan”, dùng hai ngón tay cái và trỏ ấn sâu huyệt hai bên gối.
Bà T. la đau, thầy phán “có phong nên mới đau vậy đó, bà ráng chịu nghen” và càng ấn mạnh hơn. Sau đó, ông kê chân bà dưới một miếng gỗ nhỏ rồi dùng búa đập từ trên xuống, từ dưới lên và hai bên hông. Hôm sau, đầu gối của bà sưng vù, đỏ bầm, phải đến bệnh viện bệnh viện khám bà được chẩn đoán bà bị chấn thương phần mềm đầu gối, tụ máu bầm…
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM kể mỗi năm ông tiếp nhận hàng chục ca bị thương tật do xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách. bệnh nhân nữ ngoài 50 tuổi, do đi mưa về bị cảm lạnh, đau vai gáy nên đến thầy lang chuyên cạo gió và xoa bóp, bấm huyệt.
“Thầy” nói bà bị trúng phong nên cạo gió đỏ bầm lưng, cánh tay, rồi sau đó xoa bóp, bấm huyệt. Thầy làm hai ngày thì bà không nhấc tay lên được. Bà tìm đến BS Vũ khi tay đã teo cơ và liệt hoàn toàn.
Ngoài ra, những trường hợp bị chấn thương, bị liệt, thậm chí tử vong sau khi đi xoa bóp, bấm huyệt thầy lang không phải là hiếm. Cụ thể như trường hợp nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Hà Nam đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám trong tình trạng liệt tứ chi. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm vùng cổ và thấy đau, nhức nên nhờ một người xoa bóp, bấm huyệt… Sau khi về, bà thấy khó chịu, chân tay tê bì, mất hẳn cảm giác.
Hay như trường hợp của nam bệnh nhân 26 tuổi, bị thoái hóa đốt sống cổ, do thầy lang bấm huyệt đã khiến anh bị liệt tại chỗ và hôn mê, ngừng thở. Bệnh nhân được đưa vào BV địa phương cấp cứu, nhưng tình trạng quá nặng nên được chuyển lên tuyến trên. Khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức thì bệnh nhân đã tử vong.
Châm cứu, bấm huyệt là một phương pháp tác động lên huyệt của cơ thể bằng sức nóng của ngải cứu hoặc kim châm cứu, để điều hòa âm dương trong cơ thể, gây kích thích đạt tới sự phản ứng của cơ thể nhằm mục đích điều trị bệnh.
Mặc dù châm cứu, bấm huyệt rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro nguy hiểm. Đặc biệt, những đối tượng dưới đây không nên sử dụng hai phương pháp này để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc:
- Những người bị bệnh tiểu đường.
- Những người có cơ địa yếu, không thể thích nghi được.
- Những người có sức khỏe yếu, thể trạng yếu,suy kiệt,châm cứu dễ bị sốc.
- Khi bị chấn thương cả vết thương hở và vết thương kín, khi bị tổn thương ở xương, cơ, khớp.
- Người có vết thương bị viêm nhiễm lở loét hoặc tấy đỏ.
- Người mắc các chứng bệnh như thủng dạ dày, viêm ruột thừa viêm vòi trứng vỡ.
Với những trường hợp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, hay đau khớp, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng kỹ thuật rất dễ xảy ra chấn thương, làm bệnh nhân tàn tật suốt đời. Ngoài ra, phụ nữ có thai, người cao tuổi cũng nên thận trọng với phương pháp này.