Thứ năm, 21/11/2024 | 20:24
RSS

Ngộ độc rượu ngày Tết: Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu

Chủ nhật, 14/02/2021, 06:37 (GMT+7)

Những bữa tiệc đầy ắp rượu bia trong dịp Tết là nguyên nhân gây ra ngộ độc rượu ở nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu.

Ngộ độc rượu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Nghẹt thở, ngừng thở, mất nước nghiêm trọng, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Do đó, để tránh ngộ độc rượu và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm, mỗi người hãy trang bị cho mình những kiến thức về cách nhận biết, sơ cứu và điều trị ngộ độc rượu.

Dấu hiệu nhận biết người ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu ngày Tết, dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu

Biểu hiện của ngộ độc rượu giống hệt biểu hiện của say rượu

Biểu hiện của ngộ độc rượu có pha cồn Methanol giống hệt biểu hiện của say rượu như loạng choạng, hoa mắt, buồn nôn, cơ thể mất thăng bằng... nên rất khó phân biệt. Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết người ngộ độc rượu bạn nên lưu ý (những triệu chứng này sẽ xuất hiện chậm nhất 24h sau khi uống rượu):

- Bất tỉnh.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay hoặc một bên mặt.

- Nói ngọng dù đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, yếu, nhịp thở không đều, thở chậm, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Ho yếu, ứ đọng đờm rãi ở miệng, họng.

- Da, môi, móng tay tím tái, lạnh.

- Đại tiện, tiểu tiện ra quần.

- Rối loạn cảm nhận về màu sắc.

- Nhìn mờ, không rõ ràng.

- Chướng bụng, đau bụng.

- Mệt, nôn nhiều.

Cách sơ cứu nạn nhân bị ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu ngày Tết, dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu

Nhanh chóng sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra

Khi thấy có người uống rượu có biểu hiện ngộ độc rượu, chúng ta nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

- Kê gối cho nạn nhân nằm, đầu và vai cao hơn.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh kèm theo hiện tượng ứ đọng đờm rãi, thở khò khè cần cho nằm nghiêng một bên và tìm cách gây nôn, xát mạnh hai bên má.

- Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân.

- Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.

- Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua...

- Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái, mờ hoặc mất hẳn thị lực... cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.

- Không cho nạn nhân uống thuốc giải độc rượu, các loại thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, hạ sốt...

Cách phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên Đán

Ngộ độc rượu ngày Tết, dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu

Người dân không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày

Để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên Đán này, người dân không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Nên kết hợp vừa ăn vừa uống. Bên cạnh đó, không ngâm rượu với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay kinh nghiệm cá nhân để uống.

Ngoài ra, không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đang uống thuốc điều trị, khi đang đói hoặc mệt. Trẻ em dưới 16 tuổi tuyệt đối không được uống rượu bia. 

Trong dịp Tết Nguyên Đán, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu, bia vào cơ thể, tránh để bản thân rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại