Thứ ba, 16/04/2024 | 14:11
RSS

Nghịch lý V.League

Chủ nhật, 11/04/2021, 07:04 (GMT+7)

Một đội bóng từng nổi tiếng đá cho vui như HAGL đứng đầu bảng V.League. Một CLB nợ lương cầu thủ gần 1 năm trời đứng nhì bảng. Hai CLB khuynh đảo thị trường chuyển nhượng là Hà Nội FC và CLB TP HCM thì lao đao ở nửa sau bảng xếp hạng giải đấu.


Sài Gòn FC.

Nghịch lý chưa từng có trong 1 thập kỷ

Giai đoạn 1 của V.League 2021 đang bước vào khúc cua quan trọng của mùa giải. 8 vòng đấu qua đã qua chứng kiến những mâu thuẫn chưa từng xảy ra trong lịch sử của giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà. Hà Nội FC, ứng cử viên số 1 cho chức vô địch V.League và chưa bao giờ bị đá văng khỏi top 3 chung cuộc đang đứng trước tình cảnh tồi tệ nhất. Đó là phải tranh vé trụ hạng ở giai đoạn 2 của mùa giải.

Đó không còn là những lời bình luận sống chết mặc bay trên mạng xã hội Nguy cơ ấy được phát ngôn từ chính Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của Hà Nội FC. Đội bóng có chiều sâu lực lượng tốt nhất V.League trong nhiều năm qua lại thủng lỗ chỗ với chấn thương và thẻ phạt. 7 trụ cột gồm Văn Quyết, Hùng Dũng, Văn Dũng, Đức Huy, Việt Anh, Bruno và Văn Hậu lần lượt đứng ngoài cuộc chiến cam go của Hà Nội FC vì những lý do kể trên.

Bên cạnh đó, trong tình cảnh bị dồn vào thế chân tường, đội bóng thủ đô cũng chẳng còn được chèo lái bởi vị tướng cá tính Chu Đình Nghiêm. Việc thay tướng giữa dòng càng khoét sâu vào sự khủng hoảng của Hà Nội FC ở mùa giải năm nay. 10 điểm, vị trí thứ 9, kém đội đầu bảng tới 9 điểm. Hà Nội FC rõ ràng đang ngày càng xa cuộc đua đến ngôi vương V.League vốn có số vòng đấu ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thậm chí đúng như những gì đã đề cập trước đó, Hà Nội FC hoàn toàn có nguy cơ không thể lọt vào top 6 sau giai đoạn 1, khi mà họ cứ mất điểm liên tục như những vòng đấu đã qua.

Hà Nội FC xuống dốc, CLB TP HCM thì lao đao. Cứ mỗi năm, TP HCM lại đứng đầu bảng bởi cách chi tiền. Năm nay, họ đưa cả ngôi sao Lee Nguyễn trở lại V.League với mức lương lên đến cả 1 tỷ đồng/tháng. Chưa dừng lại ở đó, TP HCM còn bỏ ra cả tỷ đồng tiền lương để thuyết phục từ HLV ngoại Polking đến bộ ba cầu thủ Brazil: Dario, Barros và và Paulo về sân Thống Nhất. Nhưng tỷ lệ nghịch với sự bạo chi, TP HCM ghi nhỏ giọt bàn thắng tại V.League. 8 trận đấu đã qua, TP HCM mới ghi 7 bàn. Đó là một con số đầy thất vọng với những kỳ vọng mà TP HCM hướng đến hồi đầu năm nay.

Sài Gòn FC lao đao

TP HCM với 9 điểm và vị trí thứ 10 ít ra vẫn còn hy vọng cạnh tranh vào top 6 năm nay. Còn đội bóng cùng thành phố với họ là Sài Gòn FC đang xếp bét bảng với niềm hy vọng tranh suất vô địch xem như là không còn nữa.

Thật ngạc nhiên, vào giờ này mùa trước, Sài Gòn FC vẫn bất bại. Sự ổn định về lực lượng từng là công thức giúp Sài Gòn FC kết thúc với hạng Ba chung cuộc của V.League mùa trước. Nhưng khi mà lực lượng đang có sự vững vàng cả về con người lẫn phong độ, Sài Gòn FC lại trải qua biến cố lớn trước khi mùa bóng mới diễn ra. 2/3 lực lượng tháo chạy khỏi sân Thống Nhất. Nhưng trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng đó, Ban Lãnh đạo và Ban Huấn luyện Sài Gòn FC lại ung dung khi vẽ ra kịch bản “J.League hoá” cho đội.

Sài Gòn FC càng có lý do để tin tưởng vào cuộc thay máu khi đội bóng mở màn V.League với chiến thắng trước HAGL. Nhưng càng về sau, Sài Gòn càng tụt dốc. Lực lượng thay thế quá già về tuổi tác hoặc quá non về kinh nghiệm dẫn đến việc Sài Gòn FC thua triền miên. 5 vòng đấu gần nhất, Sài Gòn thua trắng cả 5 trận. Những cầu thủ Nhật Bản kể cả cựu tuyển thủ quốc gia Daisuke Matsui vật vờ ở V.League.

Theo tiết lộ mới nhất, Sài Gòn FC đã tự thừa nhận chiến lược “J.League hoá” của mình là vội vàng và không hiệu quả. Ở giai đoạn chuyển nhượng tới đây, họ quyết định phải thay đổi khi đưa những ngoại binh thực thụ về sân Thống Nhất, đồng thời “khai tử” những gương mặt Nhật Bản đang tồn tại trong đội hình của mình lúc này.

V.League 2021 chứng kiến những thương vụ mua người thất bại ở giai đoạn đầu của mùa bóng. Nó khiến cho giải đấu trải qua một năm khó lường và khó đoán nhất trong lịch sử.

ĐẶNG XÁ
Theo Đại Đoàn Kết