Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:12
RSS

Nghị lực phi thường của cô gái không chân

Thứ tư, 06/10/2021, 11:05 (GMT+7)

Dù không thể đi lại như người bình thường do mất cả hai chân trong một tai nạn, nhưng một cô gái ở Tây Bengal, Ấn Độ đã nỗ lực hết mình để trở thành giáo viên yoga.

Sự kiện:
Ấn Độ

Arpita Roy, cô gái đầy nghị lực, tích cực luyện tập với đôi chân giả.

Hành trình vượt qua nghịch cảnh, tin vào bản thân của cô đã tạo cảm hứng cho những người trẻ ở đất nước này. 

Tai nạn kinh hoàng

Arpita Roy nhớ rất rõ ngày định mệnh 22/4/2006. Ngồi sau một chiếc xe máy do người bạn chở, cô sinh viên 20 tuổi đang nhẩm tính trong đầu những món đồ sẽ mua ở Kolkata, thành phố nhộn nhịp cách nhà cô ở Barrackpore đến 30 km. Thế nhưng chỉ trong tích tắc, cuộc đời cô đã thay đổi mãi mãi.

Chiếc xe máy va chạm với một chiếc xe tải lớn, cô ngã xuống đất, hai chân bị bánh xe cán qua, trong khi người bạn thoát hiểm trong gang tấc. Điều tiếp theo mà cô nghe thấy là nhiều tiếng la hét và một đám đông bao quanh cô.

Mặc dù hoàn toàn tỉnh táo, Arpita không thể xác định cơn đau chính xác đến từ đâu, cho đến khi có ai đó chỉ vào đôi chân đẫm máu của cô. Cô cưỡng lại những suy nghĩ tiêu cực và cố gắng cử động. May mắn là có một bệnh viện nằm ở phía đối diện con đường, nơi xảy ra vụ tai nạn. Cô nhanh chóng được đưa đến đó.

Sau khi được uống thuốc giảm đau và sơ cứu, Arpita được chuyển đến một bệnh viện tốt hơn ở Kolkata do tình trạng vết thương khá phức tạp. Tại đây, các bác sĩ đề nghị phẫu thuật ngay để cứu đôi chân của cô, nhưng do tình hình tài chính của gia đình đang khó khăn nên tiến trình này phải hoãn lại 12 ngày.

“Chân tôi có thể được cứu, nếu chúng tôi có đủ tiền ngay lúc đó. Tôi đành phải nuốt “viên thuốc đắng” và chấp nhận thực tại của mình. Chẳng có ích gì khi cứ nghĩ đến kịch bản “điều gì xảy ra, nếu…”. Tôi ở trong bệnh viện suốt bốn tháng vì tình trạng hoại thư đã lan tràn”, Arpita kể lại, không có chút hàm ý than thân trách phận.

Một sự cố kinh hoàng như thế này có thể khiến tinh thần của bất cứ ai suy sụp, nhưng cô gái tuổi 20 đang học đại học, ngay sau khi qua cơn nguy kịch, đã tìm thấy sức mạnh nội tại và đặt mục tiêu độc lập về tài chính để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Vượt qua thử thách

Arpita không hề che giấu đôi chân cụt của mình khi đăng ảnh tập yoga trên mạng.

Sau 15 năm kể từ thảm kịch xảy ra, Arpita không chỉ đi lại bằng chân giả, mà còn có thể tập yoga như một người chuyên nghiệp.

Đặt tất cả hy vọng vào đôi chân giả vì được các bác sĩ bảo đảm có thể đi lại được, nhưng quá trình tập luyện đối với cô còn đau đớn hơn nhiều lần so với khi gặp tai nạn.

“Anh trai tôi, người trụ cột trong gia đình, đã bỏ ra rất nhiều tiền vào thuốc men và đôi chân giả của tôi. Vì những điều này, mọi người nhìn tôi như thể tôi là một gánh nặng. Do đó, tôi muốn có việc làm. Vì mục tiêu này, tôi sẵn sàng vượt qua tất cả”, Arpita nói.

Trong quá trình tập luyện, các bác sĩ đề nghị cô đứng hằng ngày trong một giờ để bảo đảm đúng tư thế. “Nỗ lực đứng trên chân giả trở nên tồi tệ hơn với tôi bởi hội chứng “đau chi ma” hay “cơn đau ảo” (phantom pain syndrome).

Đó là cơn đau xuất phát từ một bộ phận cơ thể không còn ở đó. Trong thời gian này, tôi đã đánh giá lại các ưu tiên cần hoàn thành và nhận ra, khi gặp mọi trở ngại trong cuộc sống, người ta thường trở nên kiên cường hơn”, cô nói thêm.

Với ý chí sắt đá, Arpita vượt qua những cơn đau và vài tháng sau đã đi lại được. Vào tháng 7/2007, cô nhận được công việc tại một tổng đài chăm sóc khách hàng và làm ở đó trong 2 năm rưỡi cho đến khi lập gia đình.

Được vây quanh bởi rất nhiều người sau gần một năm sống khép kín ở nhà, thật là choáng ngợp đối với Arpita. Những ngày đầu, thậm chí cô còn trốn vào góc khuất để khóc. Nhưng dần dần, cô lấy lại tự tin, cố gắng rèn luyện bản thân trước sự ủng hộ mạnh mẽ của anh trai mình.

Trong khi các “cơn đau ảo” gây ảnh hưởng nặng nề về thể xác, thì tổn thương tinh thần của Arpita đã dần được cải thiện. Những ánh nhìn soi mói, sự thương hại và kỳ thị của người chung quanh đã trở thành một phần trong cuộc sống của Arpita.

Khi mọi người nghĩ cô phải đi chân giả vì bệnh bại liệt hoặc chấn thương, thay vì xấu hổ, ngại ngùng, Arpita thẳng thắn chia sẻ câu chuyện của mình.

Trở thành giáo viên yoga

Trong thời gian này, các bài tập thể dục đã giúp cô duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp để hoạt động, đi lại bằng chân giả dễ dàng hơn.

Năm 2015, cô bắt đầu tập yoga, một bộ môn đòi hỏi sự dẻo dai, đầu gối khỏe mạnh và quan trọng hơn cả là đôi chân vững vàng. “Nó không kém gì việc chinh phục một ngọn núi.

Các chi giả khiến các tư thế yoga trở nên khó khăn vì người tập cần kiểm soát đầu gối của mình. Do đó, tôi bắt đầu với những bài tập đơn giản, rồi dần dần chuyển sang những tư thế phức tạp. Đến năm 2019, sau thành thạo các bài tập, tôi được đào tạo để trở thành người hướng dẫn”, cô nói.

Trước đại dịch covid-19 Arpita có 25 học viên theo học, trong đó có hai người bị mất chân.

Xuất hiện trên mạng xã hội mà không cắt xén hình ảnh, hoặc giấu chân giả dưới váy dài là một quyết định mà cô cho là nhằm thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình.

Những bình luận tích cực trên các bài đăng của Arpita đã khuyến khích và tạo cảm hứng để cô làm tốt hơn công việc của mình. Những hình ảnh trong tư thế trồng cây chuối của cô đã khiến những người theo dõi cô trên mạng vô cùng thán phục.

Arpita đã vượt qua một chặng đường dài kể từ vụ tai nạn kinh hoàng. Phương châm sống của cô là nghĩ đến những điều may mắn, thay vì lo lắng, sợ hãi về việc mất đôi chân của mình. Suy nghĩ tích cực đã giúp cô thành công như ngày hôm nay.

 

Thi Ngọc
Theo Giáo dục & Thời đại