Chủ nhật, 19/01/2025 | 11:51
RSS

Ngập trong nợ nần, người dân thủ phủ lợn miền Bắc cầu cứu

Chủ nhật, 31/03/2019, 14:35 (GMT+7)

Người chăn nuôi ở thủ phủ chăn nuôi, buôn bán lợn lớn nhất miền Bắc – huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã ngập trong nợ nần, kiệt quệ. Những ngày này, họ chỉ biết khẩn cầu người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt lợn nữa mà thôi…

Những “cơn bão” đẩy người chăn nuôi đến bước đường cùng

Người chăn nuôi chết dở - Đó là câu nói cửa miệng thốt ra từ bất cứ ai mà chúng tôi gặp vào thời điểm này ở thủ phủ chăn nuôi, buôn bán lợn lớn nhất khu vực miền Bắc – huyện Bình Lục. Từ ông trưởng phòng nông nghiệp huyện đến lãnh đạo xã, từ ông thương lái, ông chủ chợ đầu mối đến cả những người chăn nuôi… đâu đâu cũng là những tiếng thở dài thườn thượt, âu lo, chán nản...

Chợ đầu mối gia súc gia cầm – điểm buôn bán lợn rộng 12.000m2 với 41 khu chuồng nhốt nằm trên một cánh đồng ở xã Bối Cầu đã phản ánh gần như đầy đủ thực trạng thê thảm của người nuôi lợn ở thời điểm này.

Bình thường, mỗi ngày điểm buôn bán này có khoảng 1.000 – 1.500 con lợn được giao dịch, nhưng khoảng hơn một tháng trở lại nay, từ sáng sớm đến chiều chỉ còn 300 - 500 con. Mặc dù thương lái, ban quản lý chợ đến người dân cố kéo dài phiên thêm 3 - 4 tiếng đồng hồ, đến sẩm tối mà vẫn “ế lòi ra”.

Hôm chúng tôi đến (sáng 25/3), mức giá phổ phiến nhất là từ khoảng 28 - 30 nghìn đồng/kg lợn hơi, một mức giá mà cả đám thương lái lẫn ban quản lý chợ, những cán bộ kiểm dịch cắm chốt ở đây đều “khóc” cho thảm cảnh người chăn nuôi. Cứ tạm tính mỗi một con lợn xuất chuồng phải chịu lỗ ít nhất là 1 triệu đồng như bây giờ thì nhà ít lỗ vài ba chục triệu đồng, nhà nhiều vài trăm, còn mấy ông chủ trang trại chắc chắn phải lỗ cả hàng tỷ đồng.

“Cứ đà này có thể còn xuống nữa, rồi dân muốn chôn lợn ế cũng không đủ chỗ cho mà xem”, ông Nguyễn Trường Chinh, Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Bối Cầu thở dài thườn thượt.

Kể từ năm 2017, đây là “cơn bão” thứ 3 càn quét, tàn phá, đẩy người chăn nuôi đến bước đường cùng. Lần thứ nhất là năm 2016, cơn “bão giá” đẩy giá lợn hơi xuống mức đáy 16 nghìn đồng/kg khiến hàng vạn hộ chăn nuôi điêu đứng. Rất nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh sạt nghiệp. Chưa kịp vực dậy để phục hồi, cuối năm 2017 lại dính ngay dịch lở mồng long móng, lại thêm những hộ chăn nuôi phải bỏ làng vì nợ nần.

Năm nay, từ sau tết đến bây giờ, liên tiếp những thông tin về tình hình dịch tả lợn Châu Phi, thông tin về sán lợn chỗ này chỗ nọ, đều là những thứ mà các chủ trang trại, các hộ gia đình ở vùng chăn nuôi có truyền thống như ở Bình Lục chưa biết mặt mũi như thế nào vẫn cứ khiến giá lợn lao dốc.

Ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Lục dự báo: Tỷ lệ hộ chăn nuôi, tổng đàn trong huyện liên tục giảm trong 2 “cơn bão” trước rồi, qua trận này nữa chắc người chăn nuôi ở đây quỵ hẳn.

Trong khu chăn nuôi quy mô trang trại ở cánh đồng xã Bồ Đề, vợ chồng ông Trần Đình Nghị (58 tuổi) vừa phun thuốc khử trùng vừa gọi thương lái bán bớt số lợn trong chuồng để lấy tiền “vào cám” cố cứu vãn đàn còn lại. Đây là lần thứ 2 trong “cơn bão” lần này 2 ông bà buộc phải cắn răng “cắt” bớt số lợn bán với giá “lỗ nặng” để duy trì lợn nhỏ vì các đại lý thức ăn chăn nuôi nhất quyết không cho người nuôi lợn nợ tiền cám nữa.

Sau khi tan nát trong 2 cơn bão giá liên tiếp năm kia và năm ngoái, gia đình ông bà cầm cố, vay mượn tới hơn 2 tỷ đồng để vào đàn 500 con giống, những mong có thể cứu vãn tình hình, nhưng đúng vào thời điểm lợn có thể xuất chuồng thì giá cả lao dốc từ 47 nghìn đồng/kg hơi xuống mức xấp xỉ 30 nghìn đồng.

“Chỉ khi người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn thì chúng tôi mới được cứu”

“Thời điểm mới công bố dịch tả lợn Châu Phi thì giá thịt lợn cũng chỉ giảm nhẹ (khoảng 38 – 40 nghìn đồng/kg). Chúng tôi vẫn cứ nghĩ là chỉ khoảng một thời gian ngắn, khi cơ quan chức năng công bố dịch không lây sang người thì giá lợn sẽ lại tăng trở lại nên cố bảo nhau cầm cự. Tuy nhiên đến đợt thông tin về sán lợn vừa rồi thì chết hẳn. Người tiêu dùng khắp nơi đều tẩy chay thịt lợn nên giá cả lao dốc chóng mặt, đến giờ này cũng chưa biết như thế nào…”, ông Nghị than.

Sau khi bán 100 con lợn với giá 33.000 đồng/kg vào tuần trước để cố duy trì, hiện chuồng trại nhà ông Nghị còn 400 con, một nửa trong số đó có trọng lượng từ 125kg đến 140kg, đã đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng mức giá mà thương lái đưa ra vào chiều 25/3 là 28.000 đồng/kg hơi. Lỗ nặng.

Theo hạch toán, đàn lợn gia đình ông Nghị đầu tư tất tần tật gần 40.000 đồng/kg. Nếu bán được trong buổi chiều hôm nay thì chấp nhận bù lỗ 12.000 đồng/kg. Nửa đàn lỗ khoảng 250 triệu. Nhưng, như ông bà dự tính, chắc phải bán vì không còn cách nào nữa bởi mỗi ngày chỉ tính riêng tiền thức ăn để duy trì đã mất khoảng 8 triệu đồng và đã “hết cửa để xoay rồi”.

Gia đình ông Nghị là một trong số không nhiều người chăn nuôi ở xã Bồ Đề vẫn còn cầm cự được đến lứa lợn này sau những “cơn bão” liên tiếp trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, viễn cảnh trước mắt của “ngọn cờ đầu” trong phong trào chăn nuôi đang rệu rã từng giờ ở Bồ Đề không ai dám nghĩ.

“Có cố cầm cự lắm thì chúng tôi cũng chỉ trụ được khoảng nửa tháng nữa là cùng. Đến lúc ấy, đắt hay rẻ gì thì cũng phải bán vì để thêm lợn sẽ lên mỡ, chết tiền thức ăn. Người chăn nuôi chúng tôi bây giờ chỉ mong các cơ quan nhà nước phân tích chính xác tình hình dịch bệnh, các cơ quan báo chí và các kênh thông tin đại chúng tuyên truyền thông tin để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn như thời gian vừa rồi. Chỉ có thế thì may ra chúng tôi mới được cứu mà thôi”, ông Nghị khẩn cầu.  

Thêm những cuộc tháo chạy khỏi các khu chuồng trại

Thực tế, sau những “cơn bão” liên tiếp, người chăn nuôi ở Bình Lục đã quá kiệt quệ. Tỷ lệ người dân bỏ trống chuồng ở những nơi được xem là “ngọn cờ đầu” là “vùng chăn nuôi trọng điểm” như các xã Ngọc Lũ, Bồ Đề, Hưng Công, Bối Cầu… ngày càng tăng theo tốc độ giá thịt lợn lao dốc.

Người chăn nuôi kiệt quệ lắm rồi

Thống kê ở một số xã cho thấy, ít nhất 2/3 số hộ chăn nuôi lợn bỏ trống chuồng tìm nghề khác để mưu sinh, để kiếm tiền trả nợ.nỞ Ngọc Lũ, năm 2016 vẫn còn là xã chăn nuôi lớn nhất tỉnh với 1.600 hộ chăn nuôi và quy mô khoảng 100 nghìn con/lứa.

Thống kê vừa rồi, “nơi nuôi lợn nhiều nhất tỉnh Hà Nam” chỉ còn lại khoảng hơn 20 nghìn con, tập trung ở 300 hộ nuôi. Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã lý giải, người chăn nuôi Ngọc Lũ đã bị những “cơn bão” liên tiếp đẩy vào cảnh nợ nần, mất nhà mất cửa, đến mức phải bỏ xứ mà đi.

Với những hộ kinh doanh nhỏ thì mất tầm khoảng 300 - 400 triệu đồng, với những điểm nuôi quy mô lớn hàng nghìn con thì lỗ 4 - 5 tỷ đồng… Trước đây nhà nhà bỏ tiền thuê chặt nhãn, chặt bưởi, phá vườn xây chuồng trại, bây giờ lại phải mất tiền thuê người phá chuồng để làm vườn, thành cả một phong trào…

Người người bỏ xứ, bỏ nuôi lợn đi làm nghề khác, vào các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê, đi xuất khẩu lao động… Lợn “chết” kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác chết theo. Từ ông bán hàng ăn, hàng tạp hóa đến ông điện lực, viễn thông, xây dựng đều “chết” hết…

Tương tự ở xã Bồ Đề, một vùng chăn nuôi trọng điểm khác ở huyện Bình Lục, ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cám cảnh: Người chăn nuôi trong xã chưa đến mức phải thắt cổ tự tử vì các “cơn bão” càn quét, nhưng với số nợ nần đầu tư nuôi lợn ở đây thì không biết đến đời nào mới có thể trả nổi. Nhiều người đầu tư vào chăn nuôi, nợ nần nhiều quá phải bỏ làng mà đi, chuồng trại bỏ hoang không đếm xuể.

Chỉ khổ người chăn nuôi

Những năm trước Bồ Đề có khoảng 500 hộ nuôi, tổng đàn lúc nào cũng trên 25 nghìn con/lứa, bây giờ chỉ còn lại có 1/3. Có những gia đình ôm nợ lên đến 7 tỷ đồng, cả nhà phải bỏ đi tận miền Nam làm thuê kiếm tiền gửi về trả lãi. Còn với những hộ chăn nuôi đang cầm cự, những ngày này thì còn lo hơn cả lo chết.

Vợ chồng ông Nguyễn Đình Lợi, bà Nguyễn Thị Hạnh là một trong số ít những hộ chăn nuôi còn đầu tư với quy mô lớn ở xã Bồ Đề. Cũng giống như vợ chồng ông Nghị, sau 2 “cơn bão” vào các năm 2016 và 2017, thấy dân bỏ trống chuồng trại nhiều, mặc dù mới thua lỗ cả tỷ đồng xong nhưng hai ông bà vẫn bàn nhau tiếp tục thuê lại chuồng để đầu tư.

Lúc chúng tôi đến, ông chồng trốn biệt vì tưởng người bên công ty cám đòi nợ. 500 con lợn trong khu chuồng trại, mỗi ngày tốn 10 triệu đồng tiền cám, cầm cự được đến hôm nay thì hết cửa để vay. Từ sáng đến giờ, 5 lần 7 lượt gọi thương lái vào mua nhưng đến cuối chiều rồi vẫn không thấy ai đến cả. Nếu chấp nhận bán với mức giá hiện tại, gia đình ông bà lại phải gánh thêm khoản nợ khoảng 500 triệu đồng.

Bà Hạnh nói như mếu: “Dịch tả lợn Châu Phi ở đâu, sán lợn ở đâu chứ dân ở đây chăn nuôi khắt khe lắm. Giống lấy từ trại, thức ăn của của các công ty cung ứng uy tín, phòng dịch thì tiêm vắc xin rất đầy đủ… nên rất khó ảnh hưởng gì. Chúng tôi chết là bởi vì người tiêu dùng họ quay lưng lại với thịt lợn nên không bán được. Cứ đà này, cầm cố lắm chắc cũng chỉ cố thêm được vài ba hôm nữa thôi. Nếu giá lợn không nhích lên được tý nào chắc vợ chồng con cái lại phải bỏ làng mà đi thôi chứ hết cách rồi”.

“Giá lợn ở đây lao dốc ngoài việc người tiêu dùng quay lưng thì một phần nữa là do tình hình hiện nay các tỉnh chốt chặn rất nhiều, việc vận chuyển hết sức khó khăn. Chẳng hạn như trước đây khoảng 1/3 xe ở Thái Bình sang bắt lợn ở chợ này, nhưng từ khi công bố dịch thì không sang được. Chỉ khi nào lợn “thông” được thì may ra giá cả mới có thể nhích lên ”, ông Hoàng Văn Bình, cán bộ thú y trực chốt kiểm dịch ở chợ Bối Cầu.

 

Hoàng Anh - Trung Hiếu
Theo Nông nghiệp Việt Nam