Thứ tư, 16/10/2024 | 07:29
RSS

Ngăn ngừa trẻ em tự tử: Đừng để mối quan hệ "đứt gãy" giữa cha mẹ và con cái

Thứ ba, 05/04/2022, 14:54 (GMT+7)

Một số vụ trẻ em tự tử gần đây khiến nhiều người băn khoăn liệu có phải vì các em đang chịu áp lực học hành hay còn những áp lực nào mà chúng ta chưa biết.

Về vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH).

Trẻ em tự tử khi cảm thấy cô độc, áp lực

Trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta đau xót khi phải đón nhận tin dữ 2 học sinh tự tử. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Thực tế, tự tử ở tuổi học sinh, vị thành niên là vấn đề rất nhức nhối của nhiều quốc gia không riêng gì Việt Nam Tùy từng quốc gia, từng giai đoạn lịch sử mà vấn nạn này cũng diễn biến phức tạp, khác nhau. 

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, khi có bất ổn trong xã hội như đại dịch Covid-19, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, căng thẳng về tâm lý đều gia tăng trong xã hội, chứ không riêng trẻ em và người chưa thành niên. Nhưng trẻ em và người chưa thành niên chịu tác động mạnh nhất, khi các em có thời gian dài phải ở trong nhà học online và còn chịu nhiều áp lực về học hành trực tuyến.

Tất cả những điều này góp phần làm gia tăng áp lực khiến nhiều trẻ em đối mặt với dấu hiệu bệnh tâm thần. Trong khi đó, bản thân cha mẹ, gia đình không nhận biết sớm được những dấu hiệu này để can thiệp hỗ trợ các em. Đây là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc đau lòng kể trên. 

Ngăn ngừa trẻ em tự tử: Đừng để mối quan hệ đứt gãy giữa cha mẹ và con cái

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ giải pháp ngăn ngừa trẻ em tự tử. Ảnh: N.T

Sự việc học sinh tự tử vừa qua khiến nhiều cha mẹ lo sợ, không biết làm gì để bảo vệ con mình. Ông có lời khuyên nào với cha mẹ học sinh?

- Tôi rất chia sẻ với sự lo lắng của các bậc cha mẹ. Phụ huynh, cha mẹ có có vị trí, vai trò chăm sóc và bảo vệ con mà không ai thay thế được. Đầu tiên, cha mẹ là người gần gũi con nhất, hiểu con nhất. Cha mẹ phải là người mà trẻ em sẵn sàng chia sẻ những tâm tư tình cảm, biến động trong suy nghĩ, tình cảm, cuộc sống hằng ngày, chứ đừng để đến khi đọc được thư tuyệt mệnh của con thì lúc đó là sự ăn năn muộn màng.

Thông qua một số nghiên cứu thì thấy hầu như trường hợp trẻ em có dấu hiệu sang chấn tâm lý, dấu hiệu dẫn đến hành vi mong muốn hoặc đã xảy ra như tự sát, tự tử đều có vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có những trường hợp thì mâu thuẫn, có những trường hợp thì các mối quan hệ này đã bị đứt gãy không thể đối thoại.

Vì thế để có thể hiểu được con, cha mẹ không chỉ cần là người chăm sóc, nuôi dưỡng mà cần là bạn của con để con có thể chia sẻ khi cần.

Không phải đứa trẻ nào cô đơn cũng tự sát, nhưng cô đơn đến mức cô độc rồi bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần có thể là một trong những nguyên nhân khiến các em tìm tới cái chết. Thông điệp cuối cùng mà tôi muốn nói là đừng để các con cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, gia đình của mình, lớp học của mình.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em

Giải pháp ngăn chặn trẻ em tự tử 

Ông có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và bảo vệ con?

Tôi cho rằng, ngoài việc học cách chăm con về mặt dinh dưỡng, sức khỏe thì bố mẹ cũng cần học cách làm cha mẹ. Không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay.

Xã hội giờ rất phát triển, cha mẹ có thể học bằng nhiều cách. Có thể thông qua các website của những cơ quan uy tín, các trang fanpage, kênh youtube mà mình cho là hữu ích. Rồi có thể mua sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn, hoặc thông qua các khóa học, trải nghiệm cuộc sống hằng ngày tiếp xúc với con.

 Cho nên, trước khi cha mẹ đổ lỗi cho việc áp lực học tập quá nặng nề từ phía ngành giáo dục chậm giảm tải thì các phụ huynh phải học làm cha mẹ trước. Cha mẹ tự cứu con mình trước khi trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài đang thay đổi; tất nhiên nếu có sự hỗ trợ của các dịch vụ thì rất tốt và lý tưởng. Đó là câu chuyện mà các bậc cha mẹ phòng ngừa sớm được để hiểu con hơn, để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình của mình.

Ngăn ngừa trẻ em tự tử: Đừng để mối quan hệ đứt gãy giữa cha mẹ và con cái

Khi phát hiện dấu hiệu bát thường ở trẻ, cha mẹ cần cho các em khám tâm lý. Ảnh: D.H

Về phía các cơ quan chức năng, chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, giáo dục các kiến thức làm cha mẹ, đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ con về mặt tâm lý, tình cảm. Qua đó cha mẹ nắm bắt tâm lý, tình cảm của con, nhu cầu của con một cách tích cực hơn, sớm hơn; để giảm thiểu những vụ việc tự sát, tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, gia đình mình, để không phải ân hận, nuối tiếc khi sự việc xảy ra.

Vậy theo ông, cần có những giải pháp tổng thể nào nào để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc, những câu chuyện buồn này?

Thực ra đây là vấn đề không mới, trước đây cũng từng xảy ra các vụ việc học sinh tự vẫn, tuy nhiên nó không nhiều. Cũng chính bởi vậy, hiện chưa có nghiên cứu khảo sát nào về vấn đề này. Hiện mới chỉ có một số nghiên cứu cỡ nhỏ của các tổ chức phi chính phủ về sức khỏe tâm thần của trẻ em trong đại dịch.

Tôi cho rằng, cần phải tiếp tục các giải pháp tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là trẻ chưa thành niên. Trẻ chưa thành niên là nhóm trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 18 kéo dài tới 22, 23. Đây là nhóm trẻ có sự thay đổi về mặt thể chất, tâm lý cho nên khi gặp các vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống thường có những diễn biến tâm lý khá đột biến.

Cần làm tốt việc tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em ngay trong nhà trường. Tập trung triển khai xây dựng mạng lưới phòng chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, tiến tới bao phủ để 100% các trường đều có bộ phận chăm sóc tâm lý cho các em.

Về phía địa phương, Bộ LĐTBXH nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới người làm công tác xã hội, trong đó tăng cường nhân viên tham vấn tâm lý xã hội để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, giảm tối thiểu trẻ em và người chưa thành niên tự tử.

Tóm lại, cả gia đình và xã hội cần phải phối hợp với nhau để chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần, cho trẻ em. Có vậy mới hạn chế vấn nạn học sinh vị thành niên tự tử được.

Cuối cùng chắc cần phải có những nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, đặc biệt là những trường hợp trẻ em và người chưa thành niên tự tử để tìm nguyên nhân, phân tích các giải pháp kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa.

Xin cảm ơn ông!

Bệnh tự tử có tính lây lan

Trong các bệnh tâm lý có các bệnh lây lan, được gọi là bệnh Tâm căn suy nhược. Bệnh này được ghi nhận khá nhiều trong cuộc sống. Việc đề cập nhiều tới các câu chuyện, bức thư tuyệt mệnh, hành động tự tử có thể làm lây lan hành động này. Cần giảm thiểu việc thông tin sự vụ, sự việc cần đi sâu phân tích nguyên nhân tìm giải pháp ngăn ngừa hành vi tự tử.

Bác sĩ Đào Trọng An - Nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bác sĩ phòng khám Cây thông xanh)

Thùy Anh
Theo Dân việt