Thứ năm, 28/03/2024 | 22:19
RSS

Ngăn 'làn sóng' công chức nghỉ việc, Hà Nội đề xuất tăng mức thu nhập

Thứ ba, 04/10/2022, 14:38 (GMT+7)

Trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, UBND TP Hà Nội mới đây giao Sở Tài chính tăng mức thu nhập đối với công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thành phố.

Sự kiện:
Hà Nội

Công chức phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn người dân xử lý thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Tuổi Trẻ

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký ban hành văn bản về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Thực hiện đề nghị của Bộ Nội vụ, UBND TP Hà Nội đã đưa ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Trong nhóm 9 giải pháp trọng tâm, đáng chú ý UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nâng mức thu nhập bình quân đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị thành phố.

Cùng với đó, Sở Tài chính còn được giao xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của thành phố, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP.

Bên cạnh việc đề xuất tăng mức thu nhập của cán bộ, để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức thôi việc, TP Hà Nội cũng đưa ra phương án cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giao các sở ngành nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trước đó, để ngăn “làn sóng” cán bộ, viên chức nghỉ việc, phía Bộ Nội vụ cũng đưa ra đề xuất trọng dụng nhân tài khu vực công. Bộ sẽ tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ và cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ sẽ đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc.Câu chuyện cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc không mới, bởi thời gian qua tình trạng đội ngũ giáo viên, y, bác sỹ dịch chuyển từ công sang tư có xu hướng tăng lên và tạo ra khoảng trống thiếu nhân lực cho ngành giáo dục và ngành Y. Làn sóng nghỉ việc lan tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

 

Hà Trang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại