Trở về từ nơi di tản sau trận lũ quét, nhiều người dân tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bàng hoàng trước khung cảnh đổ nát. Ngôi nhà và tài sản của gia đình nay chỉ còn trơ lại nền gạch lát đầy bùn đất. Với chị Phan Thị Hương (bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), đây là ngày buồn nhất đối với chị bởi lũ ống điên cuồng lấy đi toàn bộ tài sản gia đình chị tích cóp bấy lâu nay.
Hậu quả lũ quét kinh hoàng ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Báo điện tử VOV
Chị Hương đau xót chia sẻ với phóng viên Báo VTC News: “Lũ về 2 lần, một lần lúc rạng sáng và lần sau khoảng 7 giờ, cả gia đình vừa bỏ chạy ra đến cổng thì nước lũ bắt đầu ập xuống, đất cát, cây gỗ, rác rưởi xâm chiếm cả căn nhà. Cả căn nhà to đùng, thế mà lũ quét qua một lúc chỉ còn lại mớ đổ nát. Chỉ chậm ít phút có khi cả người cũng không còn. Trâu bò lợn gà trôi đi hết không còn một thứ gì. Lúc đó chỉ biết ôm con khóc, lũ quá kinh khủng, chúng tôi không kịp trở tay”.
Tại những huyện miền núi như Kỳ Sơn, việc xây dựng một căn nhà cấp 4 là điều khó khăn, nay gần như mất trắng sau trận lũ quét. Nhiều người dân chỉ còn biết đứng nhìn đống đổ nát bật khóc. Đi dọc từ khối 1 thị trấn Mường Xén lên bản Sơn Hà xã Tà Cạ, nơi đâu cũng ngổn ngang, tan hoang. Nhiều ô tô bị bùn vùi lấp, nhiều xe máy, xe đạp, tủ lạnh… cũng nằm dưới bùn, người dân thấy đó nhưng chưa thể đưa lên được. Nhiều gương mặt mệt mỏi, thất thần, nhiều người rơi nước mắt vì xót xa.
Nhiều người dân mất trắng chỉ sau một đêm
Nhớ về đêm chạy lũ kinh hoàng, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. Ông Lữ Thanh Tuấn (71 tuổi) nói với phóng viên, đây là trận lũ quét lớn nhất trong hàng chục năm qua. “Thời điểm lũ về, trong nhà tôi có 13 người. Ở tầng một có bảy phòng trọ, toàn bộ là học sinh. Đồ đạc tầng một bị cuốn trôi, mọi người chạy tán loạn lên tầng hai nhưng vẫn bị ngập. Công an xã có mặt kịp thời, bắc thang giải cứu mọi người ra khỏi nhà”, ông Tuấn kể.
Trong khi đó, ông Mùa Nỏ Xử, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, trưởng bản Sơn Hà cũng kể lại: “Khoảng 3h sáng 2/10, lũ đổ xuống ầm ầm, cả bản hốt hoảng tỉnh dậy, hô nhau tháo chạy lên chỗ cao hơn tránh nạn. Lũ rút, dân bản trở về nhà, gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì bất ngờ trận lũ thứ 2 lao thẳng từ núi xuống, lúc 7h sáng. Lại hô nhau chạy tán loạn! Lũ quét diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ, cuốn phăng những ngôi nhà hai bên khe suối, có nóc nhà lũ đẩy lên tận ngọn cây, bản làng tan tác”.
Theo thống kê, liên tiếp 2 trận lũ quét đã cuốn trôi 56 ngôi nhà tại Kỳ Sơn, làm ngập đổ nát hàng trăm ngôi nhà khác, 1 cháu nhỏ trẻ tuổi không may bị lũ cuốn tử vong. Mưa lũ cũng khiến trụ sở UBND huyện Kỳ Sơn ngổn ngang bùn đất, còn Trung tâm chính trị huyện thì hư hại nghiêm trọng. Bùn và đá lấp đầy cổng cơ quan, con đường ôtô đi được nay đã bị đá, bùn vùi lấp hoàn toàn, bên ngoài là dòng nước chảy dữ dội.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm ngập và sạt lở nhiều đoạn tại tuyến đường Mường Xén đi Tây Sơn, làm hư hỏng cầu vòm sắt Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Tuyến quốc lộ 7 nối thị trấn Mường Xén với cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bị sạt lở ta luy dương làm tắc đường, các phương tiện hiện không qua lại được.
Trước tình hình thiệt hại nặng nề của bà con, lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do lũ. Trao đổi với Báo Lao động, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Kỳ Sơn Lỳ Bá Thái cho biết, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khoảng 200 người, khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho dân và không để cho ai bị đói khát.
Trong mưa lũ, nhiều đoàn thiện nguyện đã lội nước, đưa mì tôm, nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho người dân đang bị mắc kẹt trong vùng lũ. Đường đi nước chảy xiết, nhiều vị trí cần có sự hỗ trợ của bộ đội, người đi phải bấm mạnh chân nếu không sẽ bị trượt ngã. Trước đó, UBND huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ khẩn cấp 150 suất quà, tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều tuyến đường bị chia cắt nghiêm trọng. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Tại các vị trí ở khối 1 thị trấn Mường Xén, tranh thủ nước rút, hàng nghìn cán bộ công an, quân đội, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân xúc, dọn đất bùn, vận chuyển đồ đạc, sắp xếp, lau dọn nhà cửa để ổn định cuộc sống. “Dân đã quá mệt mỏi, sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang là rất kịp thời và đáng quý”, ông Vi Văn Hải (khối 1, thị trấn Mường Xén) chia sẻ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Nghệ An cũng đã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp để kịp thời thông các tuyến giao thông bị ách tắc tại huyện Kỳ Sơn; kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân bị thiệt hại và các hộ dân ở bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ đang bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Đồng thời, hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị ngập, sập đổ, tốc mái, hư hỏng; các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...). Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
Báo cáo nhanh của UBND huyện Kỳ Sơn ngày 3/10 cho thấy, 2 trận lũ quét liên tiếp ngày 2/10 đã làm 56 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; nhà bị ngập, sạt lở gây hư hỏng nặng: 141; nhà phải di dời khẩn cấp: 45 (xã Bảo Nam 6 nhà và 39 nhà ở Tà Cạ). |