Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:59
RSS

Nếu còn lại một chiếc khẩu trang, em sẽ dành cho ai?

Thứ bảy, 08/02/2020, 07:54 (GMT+7)

Một câu chuyện gia đình trong dịch virus Corona đáng suy ngẫm.

10h30 đêm 5/2, anh bạn gọi điện “Gặp nhau tí nhé. Có chuyện cần tâm sự”.

Tôi quen anh cách đây 10 năm, trong một tình huống mà ở tuổi tôi khi đó chẳng dám tin. Anh nhờ tìm cách can thiệp vì bị vợ bạo hành. Khi đó tôi tiếp anh nhưng có phần hơi coi thường. Cũng theo chỉ đạo của trưởng ban, tôi tìm hiểu và biết, có những thứ ở đời này hành hạ nhau còn kinh khủng hơn cả địa ngục. Oái ăm thay là họ vì yêu nhau giam nhốt nhau. Càng hiểu chuyện của anh, tôi càng thấm. Sau đó anh em thân thiết!

Nếu còn lại một chiếc khẩu trang, em sẽ dành cho ai

Anh là trí thức, sống có trách nhiệm.

Anh bảo:

- Hôm trước anh đọc bài của em nói về sự ích kỷ của con người sẽ gây khó khăn trong chống dịch. Có chi tiết, “chỉ khi nào còn lại chiếc khẩu trang cuối cùng… mới thấy hết sự ích kỷ của con người”. Anh tâm đắc lắm.

+ Vợ chồng anh sao rồi?

- Vẫn về nhà, vẫn phòng ai nấy ở. Cãi nhau, ghen tuông mệt rồi, không có sức nữa. Để vậy thôi, bỏ nhau tội con cái. Tuổi này rồi.

+ Chị vẫn yêu anh “khủng khiếp” thế à?

- Có bớt chút (cười). Anh cứ đi về nhà đúng giờ, làm đúng cam kết cho đỡ bị hành hạ, tra hỏi, thẩm vấn mệt đầu. Anh buông xuôi rồi.

Chuyện của anh rất dài. Hơn nữa là riêng tư của anh, tôi không kể ra hết được. Nhưng cũng vì yêu, muốn giám sát, sở hữu nhau nên vợ chồng anh gần như cột chặt vào nhau, giam cùng nhà, lấy tư cách những người đã ký vào giấy kết hôn chất vấn, tra khảo nhau, được đi vào tận cùng những bí mật sâu kín của nhau. Họ làm như thế hằng ngày cho đến khi cuộc sống gia đình không ai thở nổi, rồi to tiếng, va đập từ cái bạt tay cho đến đấm đá như đấu võ, nhờ pháp luật can thiệp. Nhưng số phận cột chặt quá, càng vùng vẫy, càng dính nhau, mọi thứ nát vụn hết.

Tôi hỏi:

+ Bao lâu rồi anh chị không nói chuyện tình cảm với nhau?

- Cũng cả chục năm rồi. Nói là để nói, để biết còn mặt nhau trong nhà. Chứ không tâm sự, không bàn việc lớn. Nói là cãi nhau, đến giữa chừng là lanh tanh bành hết cả.

Rồi giọng anh phấn chấn:

- Có chuyện này, anh muốn tâm sự với em. Hôm trước đọc facebook của em viết về dịch virus Corona, anh nghĩ, cứ dày vò nhau thế này lỡ chết thì ân hận lắm, vì vợ anh rốt cuộc cũng chẳng có tội tình gì. Yêu quá, ghen quá, nóng quá rồi mới như thế. Anh nghĩ, hay cứ nói chuyện, thử vợ xem sao. Sáng chuẩn bị đi làm anh nói: “Dịch bệnh thế này, em chịu khó đeo khẩu trang đi?”. Cô ấy bảo: “Ông lo cho tôi, hay lo cho ông?”. Anh nói, “lo cho cả nhà”.

Anh hỏi: “Nếu khi đại dịch xảy ra, còn mỗi chiếc khẩu trang. Em sẽ dành cho ai?”. Chị ấy ngước lên nhìn anh chằm chằm: “Ông bị dở à, khẩu trang thiếu gì? Sao bỗng dưng hôm nay ngớ ngẩn thế”. Anh bảo, cứ trả lời đi, “biết đâu được, cuộc sống mong manh, ta cứ đày đọa nhau đến chết rồi cũng không biết có thương nhau không”. Chị ấy bỏ túi xuống bàn, ngồi một lúc: “Ông định gây sự nữa à?". “Không, hỏi thật”. Cô ấy nói: “Tất nhiên là cho con”. Anh lại hỏi: “Nếu các con có rồi thì sao?”. Chị ấy đứng dậy, đi lòng vòng một lúc, xỏ giầy: “Dành cho anh. Tôi còn ai quan trọng hơn…”. Nói xong thì chị ra khỏi nhà.

Bỗng nhiên anh xúc động vì câu ấy. Cô ấy vẫn luôn yêu thương hết lòng anh và các con. Chỉ là…

+ Ngày mai anh thử nhắn tin cho chị ấy xem. Nhắn là “Anh sẽ dành chiếc khẩu trang ấy cho em”. Xem chị ấy trả lời thế nào.

Hai anh em nói đến đó rồi chuyển chuyện khác. Có vẻ anh sẽ nhắn như vậy. Tôi nghĩ, anh ấy cứ nhắn và không cần đợi chị hồi âm. Cuộc sống anh chị ngắt kết nối quá lâu. Thời công nghệ số, vạn vật kết nối, nhưng ta lại ngắt với người bên cạnh.

Tôi nhớ có lần thầy giáo dạy Triết học nói, “cuộc sống thường có các cặp đi với nhau, ví dụ như cặp ĐƠN GIẢN và PHỨC TẠP; PHỨC TẠP và ĐƠN GIẢN”. Có nghĩa là khi có một vấn đề phức tạp thường có bên cạnh nó một giải pháp đơn giản. Ngược lại khi vấn đề càng đơn giản, giải pháp lại càng phức tạp”.

Tôi đã ngẫm lời thầy trong những năm qua trong cuộc sống của mình. Trước vấn đề đơn giản như va chạm giao thông rất nhẹ trên đường, hay trả tiền bữa nhậu, một cái nhìn không thiện cảm, hoặc một lời nói bất cẩn thì phải xử lý rất sức cẩn thận, giải quyết nó bằng cả trí tuệ, nghệ thuật và nhẫn nại nếu không, sẽ mất mạng chỉ vì một câu nói, một bữa nhậu, hay cái nhìn đểu... Còn vấn đề phức tạp như chuyện hạnh phúc đời người của anh chị đây, đôi khi có thể hàn gắn bằng tin nhắn, nói chuyện nhẹ nhàng, hạ bớt cái tôi... Cứ làm thế, sự chia sẻ, cảm thông sẽ hàn gắn, gỡ rối cho mọi khúc mắc.

Cũng như dịch virus Corona hiện nay cũng vậy, đó là vấn đề phức tạp, nhưng giải pháp đơn giản của chúng ta là bình tĩnh, không rối trí, rửa tay, đeo khẩu trang và nghe hiệu lệnh chỉ huy chống dịch. Đơn giản đến thế, là mọi chuyện sẽ qua thôi.

Hy vọng bạn tôi tìm ra chìa khóa đơn giản để gỡ rối vấn đề lớn của cuộc đời. Và chúng ta cũng dùng cách đơn giản để chống con Corona!

Nhưng quan trọng nhất là phân biệt được vấn đề phức tạp và đơn giản. Chúng ta thường phức tạp hóa vấn đề đơn giản và ngược lại. Người khôn thì hay đơn giản hóa vấn đề.

 

Lê Anh Đạt
Theo GĐVN