Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:46
RSS

Nam thanh niên tiểu buốt suốt 2 năm vì lý do này

Thứ năm, 19/11/2020, 17:05 (GMT+7)

Nam thanh niên bị nhiễm trùng đường tiết niệu gây tiểu buốt, rắt, đục, suốt hai năm ròng chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm.

Nam thanh niên nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu buốt suốt 2 năm vì lý do này

Vi khuẩn Klebsiella peumoniae là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu buốt ở người bệnh. Ảnh: VNExpress

Ngày 19/11, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam bị tiểu buốt suốt 2 năm nay, chuyển lên từ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Cụ thể, bệnh nhân là anh Mai Văn T., 23 tuổi, quê ở Quảng Bình. Được biết, bệnh nhân T. từng phẫu thuật sỏi thận hai bên, bên phải vào năm 2015, bên trái vào năm 2018. 

Sau đó, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu gây tiểu buốt, rắt, đục, uốt hai năm ròng chạy chữa nhiều nơi không bớt. Thời điểm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân gầy gò, mệt mỏi, ăn kém, đau thắt lưng hai bên, bên trái đau nhiều hơn.

Các bác sĩ quyết định nuôi cấy vi khuẩn trong nước tiểu bệnh nhân để tìm căn nguyên gây bệnh và đánh giá toàn trạng, sỏi thận gây ảnh hưởng hoặc biến chứng gì. Kết quả cho thấy, vi khuẩn Klebsiella peumoniae là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu buốt ở người bệnh. Đây là loại vi khuẩn tồn tại trong ruột người nhưng chỉ gây tác hại, tấn công các bộ phận khác khi hệ miễn dịch suy yếu.

Sau khi kiểm soát được nhiễm khuẩn và cấy lại vi khuẩn trong nước tiểu âm tính thì nội soi tán sỏi thận ống mềm bằng lazer. Bệnh nhân được điều trị, gồm dùng kháng sinh phù hợp, nội soi đặt sonde JJ bể thận - niệu quản hai bên để giải quyết vấn đề suy thận sau khi người bệnh hết nhiễm khuẩn. 

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi nhập viện, người bệnh bắt đầu sốt cao, rét run từng cơn vào buổi tối, tình trạng suy thận tăng lên. Tình huống nguy kịch buộc các bác sĩ phải phẫu thuật đặt sonde JJ sớm trong khi người bệnh vẫn còn nhiễm khuẩn.

Sau đó, bác sĩ truyền rửa bàng quang liên tục, điều chỉnh liều lượng thuốc, giảm được mức độ nhiễm khuẩn tại bàng quang của người bệnh. Sau khoảng 40 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, không còn tiểu buốt, không còn nhiễm trùng tiết niệu, xuất viện ngày 17/11. Dự kiến hai tuần sau, người bệnh sẽ được can thiệp để rút ống sonde JJ, hoàn toàn kết thúc điều trị.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN