Mồ hôi trên da của bệnh nhân xuất hiện vệt màu đỏ. Ảnh: Zing
Ngày 1/12, trao đổi với Zing, GS.TS Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân (nam, 24 tuổi) mắc bệnh “đổ mồ hôi máu” cực hiếm gặp.
Theo lời kể của bệnh nhân, mỗi lần làm việc nặng xong mồ hôi chảy ra có màu đỏ nhạt, áo trắng hoặc dép màu trắng sau một thời gian mang cũng dần chuyển đỏ. Suốt 1 tháng trời, người đàn ông này đã đến nhiều cơ sở y tế để thăm khám nhưng vẫn chưa bắt được bệnh. Sau đó, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tại bệnh viện, qua khai thác bệnh sử được biết, trước thời điểm xuất hiện mồ hôi máu, bệnh nhân hay bị mất ngủ, căng thẳng, thường xuyên bị stress nặng. Bệnh nhân được xét nghiệm đặc hiệu tìm hồng cầu trong mồ hôi, đồng thời được sinh thiết da để phân tích hình ảnh giải phẫu bệnh lý.
Kết quả sau xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc phải hiện tượng “dổ mồ hôi máu”. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của bác sĩ, dùng các thuốc an thần, có thể áp dụng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, thể dục nhẹ, du lịch…Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được tư vấn về tâm lý, giải tỏa sự căng thẳng, áp lực, tránh các stress tiếp tục gặp phải.
Dép và áo sơ mi của bệnh nhân sau một thời gian chuyển sang màu đỏ. Ảnh: Zing
Sau một tháng áp dụng phác đồ điều trị này hiện tượng đổ mồ hôi máu của bệnh nhân đã bắt đầu giảm rõ rệt. Sau ba tháng điều trị, các triệu chứng hết hẳn nhưng một thời gian sau, hiện tượng này lại tái phát trở lại.
Trong năm đầu tiên, bệnh nhân được kiểm tra 2 tháng/lần, sang năm thứ hai tần suất giảm đi chỉ còn 3 tháng/lần và đến nay là năm thứ ba là 6 tháng/lần. Hiện tượng ra mồ hôi máu chỉ bị tái phát trong năm đầu tiên và cho đến nay chưa xuất hiện trở lại.
Cũng theo chuyên gia này, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn. Việc bệnh nhân ổn định được tâm lý là lý do chính khiến hiện tượng mồ hôi máu biến mất.
Bé N. mắc hội chứng “đổ mồ hôi máu”. Ảnh: Vietnamnet
Trước đó, như Vietnamnet đưa tin, Bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi là bé gái H.T.Q.N. (11 tuổi, ở thị trấn Đắk Đoa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) mắc hội chứng “đổ mồ hôi máu”.
Người thân của cháu N. cho hay, cháu có tình trạng toát mồ hôi ra máu trong khoảng 3-4 tháng gần đây, khi cháu đang ôn thi học kỳ 2 lớp 5. Gia đình đưa cháu N. đi khám ở Bệnh viện tỉnh Gia Lai thì các bác sĩ không chẩn đoán được bệnh gì.
Khi mệt mỏi, căng thẳng thì cháu bị ra “mồ hôi máu”, khi đó da mặt cháu thường căng ra, kèm theo biểu hiện đau đầu. Có ngày tình trạng này xảy ra 3-4 lần, nhiều khi cháu vận động đi lên cầu thang hay vận động ngoài trời nắng, mặt toát mồ hôi có màu đỏ.
Đổ mồ hôi máu (tên khoa học là hematohidrosis) là hiện tượng cực hiếm. Hiện tại, trong y văn thế giới mới chỉ ghi nhận có khoảng gần 200 ca bệnh. Các trường hợp xuất hiện mồ hôi máu mà y văn thế giới đã ghi nhận thường ở những đối tượng như: tử tù trước khi ra pháp trường, người mất người thân gặp stress nặng…
Hiện tượng này xuất hiện khi con người gặp phải những sang chấn tâm lý lớn hoặc stress quá nặng nề, khiến mao mạch ở da dãn ra, các hồng cầu đi vào ống tuyến mồ hôi rồi trộn lẫn vào mồ hôi thoát ra ngoài.
Về điều trị, theo bác sĩ Khang, điều quan trọng đầu tiên là bệnh nhân phải được tư vấn về tâm lý, giải tỏa sự căng thẳng, áp lực, tránh các stress tiếp tục gặp phải. Thứ hai là dùng các thuốc an thần, có thể áp dụng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, thể dục nhẹ, du lịch…
Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Khang khuyến cáo, những người gặp phải hiện tượng mồ hôi máu thường sẽ bị stress trầm trọng hơn ban đầu vì hoang mang khi cơ thể có triệu chứng lạ. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám để nhận được sự tư vấn, điều trị kịp thời của bác sĩ.