Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:17
RSS

Bà bầu làm ngay điều này để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Thứ hai, 30/11/2020, 14:35 (GMT+7)

Giãn tĩnh mạch gây ra các triệu chứng như sưng đỏ, đau nhức, mất ngủ...Dưới đây là một số biện pháp giúp bà bầu phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch trong thai kỳ.

Bà bầu làm ngay những điều này để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tương đối phổ biến ở phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch khi mang thai

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tương đối phổ biến ở phụ nữ mang thai. Người mắc chứng này trên các mạch máu sưng, nổi gồ, dễ dàng nhìn thấy trên da những đường mạch máu màu tím, xanh ngoằn ngoèo, vị trí thường thấy là bắp chân.

Chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là do các nguyên nhân sau gây ra:

- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hormone sinh dục nữ progesterone tăng lên làm giãn và sưng những tĩnh mạch.

- Thay đổi lưu lượng máu: Mang thai làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ để nuôi dưỡng bào thai, do đó tạo áp lực đối với các tĩnh mạch ở chân.

- Thai nhi phát triển gây chèn ép: Khi bào thai càng phát triển tăng dần kích thước sẽ chèn ép lên các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới), làm giảm lưu thông máu và gây suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu.

- Di truyền hoặc đã suy giãn tĩnh mạch ở lần mang thai trước: Gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch (thường là phụ nữ), hoặc trong lần mang thai trước đã bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này và bệnh thường tiến triển nặng hơn.

- Các nguyên nhân khác: Mang đa thai, bị thừa cân, béo phì, hoặc thường xuyên đứng lâu, đi nhiều (do công việc) sẽ tạo áp lực đối với tĩnh mạch ở chân và gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.

Bà bầu làm ngay những điều này để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Suy giãn tĩnh mạch có thể khiến bà bầu bị mất ngủ và gây mất thẩm Mỹ trong thời gian ngắn. Ảnh minh họa

Giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?

Chứng suy giãn tĩnh mạch  gây ra các triệu chứng như đau nhức chân, nặng nề ở chân, gây khó chịu khi sinh hoạt, đi lại, có thể khiến bà bầu bị mất ngủ và gây mất thẩm mỹ trong thời gian ngắn.

Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai thường không gây nguy hiểm đối với bà bầu. Tuy nhiên, một số ít trường hợp suy giãn tĩnh mạch tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt, có thể gây nhiễm trùng vùng xung quanh. 

Do đó, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bị nhiễm trùng do huyết khối (sốt kèm ớn lạnh, sưng phù chân mức độ nặng, bị loét hoặc màu sắc da thay đổi…) trong thai kỳ, bà bầu cần đến các cơ sở y tế để khám ngay.

Biện pháp phòng tránh giãn tĩnh mạch khi mang thai

Để phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, bà bầu cần lưu ý:

- Hạn chế hoặc tránh việc ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Thay vào đó, nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để lưu thông máu tốt;

- Khi ngồi nên kê chân để máu lưu thông tốt;

- Khi nằm nên chú ý nằm nghiêng về bên trái để làm giảm áp lực đối với tĩnh mạch;

- Không tăng cần nhiều hoặc quá nhanh, nên chú ý ăn uống để kiểm soát tốt cân nặng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN