Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:50
RSS

Mỹ: Vào bệnh viện chữa bệnh khác, hơn 10.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19

Thứ hai, 08/11/2021, 14:20 (GMT+7)

Phần lớn bệnh nhân vào bệnh viện này để điều trị các bệnh khác như đau tim, suy thận hay tâm thần nhưng họ lại bị nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị tại đây, theo trang Kaiser Health News (KHN).

Sự kiện:
Covid-19


Bà Cindy Johnson cầm tranh vẽ người chồng quá cố Steven Johnson, người bị nhiễm covid-19 khi vào viện chữa bệnh khác. Ảnh: KHN

KHN dẫn phân tích hồ sơ liên bang và tiểu bang cho thấy, hơn 10.000 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19 tại một bệnh viện ở Mỹ vào năm ngoái, sau khi họ phải nhập viện để điều trị các bệnh khác. 

Dữ liệu hồ sơ còn cho thấy, khoảng 21% bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 khi đang điều trị tại bệnh viện này, từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái, đã tử vong. 

Ông Steven Johnson, dược sĩ nghỉ hưu 66 tuổi, dự tính cắt bỏ phần thịt và xương hông bị nhiễm trùng tại Bệnh viện Blake ở thành phố Bradenton, bang Florida, vào tháng 11/2020. Ông Steven đã điều trị khỏi căn bệnh ung thư đại tràng và đã rất cẩn thận để tránh bị lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, dược sĩ đã nghỉ hưu này không biết rằng, từ tháng 4 đến tháng 9/2020, 8% bệnh nhân đang điều trị bệnh khác tại bệnh viện Blake bị nhiễm Covid-19 ở đây. 

Hai ngày trước khi nhập viện, ông Steven có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Sau 13 ngày nằm viện, bệnh nhân 66 tuổi dương tính với Covid-19, theo lời bà Cindy Johnson - vợ của ông Steven. 

Ngay sau đó, ông Steven phải chật vật để loại bỏ đờm khỏi cơ thể. Đội ngũ y tế không thể kiểm soát cơn đau của bệnh nhân 66 tuổi. Họ thúc giục bà Cindy hỏi chồng về mong muốn cuối cùng. Bà Cindy hỏi: "Anh yêu, anh có muốn đặt nội khí quản không?". Ông Steven cố gắng đáp lại: "Không". Ba ngày sau, ông Steven qua đời. 

Sau khi chồng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bà Cindy được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bà Cindy âm tính với Covid-19 ở thời điểm đó. Bà Cindy, cũng là dược sĩ nghỉ hưu, đã nghĩ về số lượng lớn nhân viên bệnh viện ra vào phòng của chồng bà, nơi ông Steven không đeo khẩu trang. Bà Cindy nghi ngờ một nhân viên y tế đã lây bệnh cho ông Steven. 

Bà Cindy cho rằng, việc Bệnh viện Blake, chưa bắt buộc các nhân viên y tế tiêm chủng là điều "khó chấp nhận". "Tôi đã rất tức giận", bà Cindy nói. "Sao họ có thể nói trên trang web của họ những lời kiểu như: Các biện pháp phòng ngừa an toàn mà chúng tôi đã áp dụng khiến cơ sở y tế của chúng tôi nằm trong số những nơi an toàn nhất để chăm sóc người bệnh thời điểm này?". 

Lisa Kirkland, phát ngôn viên của Bệnh viện Blake, cho biết, bệnh viện đang "khuyến khích tiêm chủng". Đồng thời, bà Lisa lưu ý rằng bệnh viện tuân thủ các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như các hướng dẫn của tiểu bang và liên bang để bảo vệ bệnh nhân. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tất cả nhân viên bệnh viện phải được tiêm vắc xin Covid-19, nhưng yêu cầu đó vấp phải sự phản đối ở hàng chục bang. 

Một bản đánh giá của KHN về hồ sơ an toàn lao động, tài liệu y tế và các cuộc phỏng vấn với nhân viên tại các bệnh viện có nguy cơ lây lan cao, cho thấy nguyên nhân khiến Covid-19 dễ lây lan trong bệnh viện. 

Theo đó, các nhà lãnh đạo của bệnh viện thường đánh giá thấp tính chất lây lan trong không khí của virus SARS-CoV-2. Điều này khiến một bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi ho có thể trở thành nguồn lây lan cho các bệnh nhân khác và nhân viên y tế - những người chỉ đeo khẩu trang y tế thay vì khẩu trang N95 (có độ bảo vệ cao hơn). 

Ngoài ra, các bệnh viện đã không lấy mẫu xét nghiệm được toàn bộ bệnh nhân nhập viện. Điều này cũng khiến virus dễ lọt vào trong bệnh viện. 

Nguyễn Thái - Tổng hợp
Theo Dân Việt