Báo chí Mỹ đưa tin, các quan chức và chuyên gia phân tích quân sự nước này tin rằng Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên vào ngày 4/7, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.
Hãng Fox News cho biết, các quan chức Mỹ đã "xác nhận" với mạng lưới truyền hình về vụ phóng thành công, trong khi hãng NBC News, trích dẫn lời 2 quan chức Mỹ, cho biết Washington tin rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên sáng 4/7 là ICBM.
Theo NBC News, ICBM này, được cho là có "hai tầng," sẽ có tầm bắn xa ít nhất 3.500 dặm, tương đương khoảng 5.600 km, và do đó có khả năng bay tới bang Alaska của Mỹ.
Trong khi đó, hãng CNN trích lời một quan chức Mỹ nói rằng các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ tin rằng vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng liên quan đến một tên lửa có thể là ICBM hai tầng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo thông tin tình báo của họ, tên lửa Triều Tiên phóng trong ngày không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) như nước này tuyên bố trước đó.
Trong một tuyên bố ngày thứ Ba (4/7), Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung, chứ không phải ICBM như đã tuyên bố. “Các dữ liệu thông số về quỹ đạo của mục tiêu đạn đạo trùng khớp với đặc tính hoạt động của một tên lửa đạn đạo tầm trung”, tuyên bố nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga nói thêm, các hệ thống cảnh báo tên lửa sớm của Nga đã theo dõi toàn bộ vụ phóng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và khẳng định, vụ thử nghiệm không gây nguy hiểm cho Nga.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của CHDCND Triều Tiên không gây nguy hiểm cho Nga.
“Quá trình phóng được thực hiện theo hướng xa biên giới Nga và không gây nguy hiểm cho Nga. Tên lửa đạt đến độ cao 535 km và bay xa 510 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản”, theo Bộ Quốc phòng Nga.