Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:55
RSS

Một trong 5 ca nhiễm Covid-19 vừa công bố bị lây bệnh từ nhân 34

Thứ ba, 17/03/2020, 21:35 (GMT+7)

Bệnh nhân thứ 34, bà Đ.T.L.Tr (một doanh nhân ở Phan Thiết, Bình Thuận) có tổng số người lây nhiễm đến thời điểm này là 11 người.

Theo Tuổi Trẻ, trong số 5 bệnh nhân covid-19 vừa xác nhận hôm nay 17/3, có một bệnh nhân ở TP.HCM bị lây từ bệnh nhân 34. Như vậy, đến nay đã có 11 người bị bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' này lây bệnh .

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh nhân nữ 28 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM, có tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân làm việc chung công ty với bệnh nhân 45 và 48; ngày 7 và 10/3, bệnh nhân có tiếp xúc và làm việc cùng ca với hai bệnh nhân 45 và 48.

Trong khi đó, thời điểm trên các bệnh nhân 45 và 48 đã có tiếp xúc với bệnh nhân 34 (dùng cơm chung tại Phan Thiết) và đang trong thời gian ủ bệnh. Sau khi làm việc chung ca với bệnh nhân 45 và 48, đến 10/3 bệnh nhân 65 thấy mệt, ngày 11/3 -bệnh nhân tự cách ly tại nhà, ngày 13/3 được đưa vào cách ly tập trung tại quận 8 và được lấy mẫu. 

Hiện bệnh nhân chưa có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và đã được cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, nhưng xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Pasteur TP.HCM đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Lại thêm người lây Covid-19, bệnh nhân 34 đích thực là ca 'siêu lây nhiễm'
Ảnh minh họa

Đây là ca bệnh thứ 11 lây từ bệnh nhân 34 (còn được gọi là 'siêu lây nhiễm'), và là người lây gián tiếp thứ 3 của bệnh nhân 34 (lây đến thế hệ F2, tức người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân).

Việc khai báo không trung thực, nhỏ giọt gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, cách ly những người từng tiếp xúc với bà Tr. gần đây khiến dư luận rất bức xúc.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho Vietnamnet hay, việc những người trở về từ vùng dịch, thuộc đối tượng nghi nhiễm (như trường hợp BN số 34 và 17), nhưng không tuân thủ các qui định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, gây ra hậu quả cho xã hội cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh để làm gương chung trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc" hiện nay.

Nếu đối tượng lúc đầu khai báo dịch tễ rõ ràng, đi đâu, tiếp xúc với ai, để cơ quan chức năng xử lý thì sẽ giảm thiệt hại.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với những trường hợp trước khi phát hiện ra mình có bệnh mà gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người mà vô tình lây nhiễm bệnh cho nhiều người thì không bị coi là có tội.

Bởi ý chí chủ quan của người đó không biết mình có bệnh, không nhằm mục đích truyền bệnh cho ai. Còn nếu phát hiện ra mình có bệnh mà không tuân thủ những quy định về ý tế (cách ly) mà đi tiếp xúc với nhiều người, sau đó truyền bệnh cho những người đó, làm bệnh dịch lan rộng thì cấu thành tội phạm.

Trong trường hợp, trước khi phát hiện mình có bệnh có tiếp xúc với nhiều người. Sau đó biết mình có bệnh nhưng không khai báo trung thực gây ra hậu quả làm bệnh dịch lây nhiễm cho cộng đồng thì cần xem xét.

Bệnh nhân biết và buộc phải biết những quy định của y tế, của các cơ quan chức năng cách ly nhiều vòng để kiểm soát bệnh như: F1, F2... nếu khai báo không trung thực tiếp xúc với nhiều người để hậu quả dịch bệnh lây lan cho nhiều người thì cần xem xét trách nhiệm hình sự.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN