Thứ năm, 18/04/2024 | 09:35
RSS

Mẹ cạn nước mắt nhìn con 1 tháng tuổi nguy kịch vì ho gà, bài học cảnh tỉnh cho cha mẹ nhầm ho gà và ho thời tiết

Thứ hai, 13/03/2017, 16:38 (GMT+7)

Tình trạng ho gà đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến nay đã có 5 trẻ chết do ho gà. Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh đến khi phát hiện ra thì bệnh đã diễn biến nặng.

Bé đi khám vẫn không phát hiện bệnh

Đang chăm sóc con tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi trung ương, chị Nguyễn Thị O. (Thạch Thất, Hà Nội), mẹ của bệnh nhi Trịnh Thành N. 1 tháng tuổi, nhìn vào đứa con trai nhỏ xíu mà rơm rớm nước mắt.

Chị không nghĩ đứa con bé bỏng vừa lọt lòng mẹ chưa bao lâu lại đang phải thở máy vì ho gà. Chị O. nhớ lại, đêm 9/3, khi bé N. bị ngừng thở hai lần, phải cấp cứu, nước mắt chị lại lã chã rơi trong tuyệt vọng.

Chị O. kể, chị không biết con mắc bệnh ho gà, chỉ thấy con ho từng cơn không dứt nên đưa con vào viện. Bé được nằm điều trị bên khoa hô hấp hai ngày mới phát hiện ra ho gà.

Vì mới sinh, bé N. mới chỉ được tiêm vắc xin phòng chống lao chứ chưa kịp tiêm vắc xin ho gà.

Cháu bé người nhỏ xíu, quấn quanh mình là các loại dây rợ do phải thở máy nhưng những cơn ho sặc, co rút ngực vẫn đến, khiến cháu bé càng vặn vẹo.

Nhiều phụ huynh không phân biệt được ho gà và ho do thời tiết

Chị Vũ Thị T. (Ba Vì, Hà Nội), mẹ của một bệnh nhi ho gà đang phải cấp cứu, chia sẻ: “Cháu bị sinh non nên thể trang rất yếu, mới chỉ tiêm một mũi lao. Khi cháu bị ho, gia đình cũng chỉ nghĩ là bị hô hấp bình thường nên mười ngày sau mới đưa lên viên điều trị và phát hiện ra bệnh ho gà. Lúc này, bé đã bị nặng, biến chứng sang viêm phổi”.

Nhìn đứa con bé bỏng nằm thoi thóp với máy thở, các loại dây truyền, chị T. ánh mắt thẫn thờ. Năm 2014, cháu lớn nhà chị bị sởi cũng phải cho con đi viện 2 tuần, giờ đến cháu bé lại bị bệnh này khiến vợ chồng chị không nuốt nổi cơm.

Những bà mẹ có con bị ho gà đều than thở họ không biết con bị ho gà. Các bé đều chưa tiêm phòng, thậm chí có bé đi khám mấy lần vẫn không phát hiện ra ho gà.

Bé Nguyễn Vương Ng. 5 tháng tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội bị ho nhiều, bố mẹ bé tưởng con ho thông thường nên cho con đến bệnh viện khám.

Bác sĩ chẩn đoán viêm hô hấp cho thuốc về nhà uống nhưng càng ngày ho càng nhiều, gia đình đưa luôn lên đây khám mới phát hiện ra là bị ho gà.

Tại khoa Truyền nhiễm các bệnh nhi điều trị ho gà tại đây lớn nhất là 5 tháng tuổi, bé nhất chưa đầy một tháng tuổi, các bé đều chưa được tiêm phòng vắcxin ho gà.

Bệnh ho gà biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng

Trao đổi trên Khám phá, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỉ lệ tử vong lên đến 90%.

Bác sĩ Lâm cho biết một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà là:

Viêm phổi nặng: là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.

Viêm não: là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.

Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.

Biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.

Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

Biến chứng của ho gà rất nguy hiểm

Cách phòng bệnh ho gà cho trẻ

Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, tiêm đủ 3 mũi theo quy định và lịch tiêm chủng quốc gia để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng:

-   Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần ho gà: vắc xin Quinvaxem (DPT-VGB-Hib) tiêm cho trẻ vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.

-   Tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) cho trẻ lúc 18 tháng.

Tuy nhiên, hiện nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng. Cũng chính vì vậy, khi bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.

Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.

PV
Theo Đời sống Plus