Không có khả năng mua sính lễ thách cưới theo yêu cầu của gia đình cô dâu, một người mẹ ở huyện Ninh Lăng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã tự tử vào tuần trước.
Trước đó, gia đình cô dâu nói rằng họ muốn có một chiếc ôtô. Gia đình chú rể dường như không thể đáp ứng được yêu cầu này. Sau đó, mẹ của chú rể rơi vào trầm cảm nặng và kết thúc bằng việc nhảy xuống sông tự tử.
Đoạn video lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc cho thấy một nhóm đông người vây xung quanh xác của người mẹ bên bờ sông. Khi nhìn thấy thi thể vợ mình, chồng của bà cũng gieo mình xuống sông nhưng được con trai và cảnh sát nhảy xuống cứu kịp thời.
Trên mạng xã hội, phần lớn cư dân mạng Trung Quốc cho rằng không thể đổ lỗi cho gia đình cô dâu vì một chiếc ôtô không phải là món quà bất hợp lý. Thay vào đó, người dùng mạng đặt câu hỏi tại sao gánh nặng mua xe lại không đổ lên đầu chú rể và tại sao chú rể không đợi đến khi ổn định kinh tế hơn mới lập gia đình.
Trên thực tế, ngày càng nhiều nhiều đàn ông Trung Quốc phải chi hàng triệu nhân dân tệ mới có vợ theo lời thách cưới từ nhà gái. Nhiều nam thanh niên tại Trung Quốc phàn nàn rằng truyền thống thách cưới đã khiến họ hầu như không thể cưới vợ.
Một thống kê về mức thách cưới do tập đoàn bất động sản Vanke chi nhánh Trùng Khánh và kênh bất động sản của tập đoàn truyền thông Sina đưa ra cách đây ba năm cho thấy hầu hết những chàng rể phải đưa tới hàng chục ngàn nhân dân tệ cho cha mẹ cô dâu. Thượng Hải đứng đầu danh sách với mức giá thách cưới cô dâu là 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng).
Dahe Daily dẫn lời Zhang Mingsuo, một chuyên gia xã hội học tại Đại học Trịnh Châu, cho biết việc thách cưới truyền thống ở những vùng nông thôn được cha mẹ cô dâu tính vào chi phí hỗ trợ họ trong những năm tháng tuổi già sau khi họ đã bỏ ra một số tiền lớn để nuôi nấng con gái.
Tuy nhiên, khi đời sống vật chất ngày càng tăng lên, số tiền dùng để thách cưới đã tăng chóng mặt và ý nghĩa ban đầu của nó đã bị bóp méo, ông Zhang nói.
Cũng theo ông Zhang, chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và chỉ vừa bị xóa bỏ vào năm ngoái phần đã nào làm gia tăng gánh nặng cho con cái trong việc chăm sóc cha mẹ khi về già.