Philips vừa công bố bộ đôi máy lọc không khí mới Philips 3000i Series và 2000i Series, được hãng quảng cáo có khả năng loại bỏ tới 99,9% virus và aerosol (hay còn gọi là khí dung).
Máy lọc không khí mới của Philips.
Nhờ bộ lọc Philips NanoProtect HEPA, máy cũng hỗ trợ loại bỏ đến 99,97% các hạt bụi trong không khí với kích thước nhỏ tới 0,003μm (tương đương 3nm) - nhỏ hơn loại virus nhỏ nhất từng được phát hiện khi đi qua bộ lọc. Hiệu suất lọc này được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả tương tự với các giọt khí dung có thể chứa virus.
Nói thêm về màng lọc HEPA, màng lọc này đang được sử dụng trong hầu hết các bệnh viện nhằm đảm bảo điều kiện không khí bảo vệ bệnh nhân và bác sĩ khỏi virus và vi khuẩn. Khả năng cản luồng khí thấp của bộ lọc được đánh giá và chứng minh dựa trên tốc độ phân phối không khí sạch (CADR).
Theo các thống kê gần đây, không khí trong không gian kín thực chất có mức độ ô nhiễm cao hơn không khí bên ngoài gấp 2 - 5 lần và thường chứa các hạt bụi siêu mịn PM2.5, các chất gây dị ứng, vi khuẩn, khí độc hại cũng như chịu tác động từ độ ẩm không khí. Nhiều tác nhân gây ô nhiễm ẩn náu trong các không gian sống hiện đại, làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, ảnh hưởng đến hơn 20% dân số toàn cầu hiện nay.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho biết, nhiều nghiên cứu chứng minh: “Một số trường hợp nhiễm covid-19 có thể được lây lan khi phơi nhiễm với vi-rút dưới dạng các giọt bắn li ti và các hạt nhỏ mang mầm bệnh tồn tại trong không khí từ vài phút đến vài giờ”. Đây được gọi là lây truyền qua không khí.
Bên cạnh đó, Tạp chí y khoa Anh quốc, The Lancet cũng công bố: “Điều kiện thích hợp trong không gian nhà có khả năng làm giảm sự lây lan của COVID-19. Ngược lại, nếu điều kiện không thích hợp, chẳng hạn như hệ thống thông gió và lọc không khí bị hạn chế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh”.