Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:05
RSS

Mắc bệnh tâm thần sau chuỗi ngày vỡ nợ vì lô đề

Thứ ba, 07/01/2020, 11:36 (GMT+7)

Gia đình đã đưa anh đi khắp nơi lấy thuốc, chữa trị nhưng không được. Đến nay anh đã nhập viện 12 lần trong 3 năm.

Mắc bệnh tâm thần sau chuỗi ngày vỡ nợ vì lô đề
Mắc bệnh tâm thần sau chuỗi ngày vỡ nợ vì lô đề

Trầm cảm sau chuỗi biến cố

Một chiều cuối Xuân, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định thực hiện tuyến bài “Nỗi đau tâm thần”. Bước vào khoa Tâm Thần, Bệnh viện 103, không giống như những khoa khác, từ cánh cửa khoa luôn có người gác trực và được khóa cẩn trọng. Khuôn viên khoa là những cây xanh xung quanh, một chiếc sân không quá rộng nhưng cũng đủ chỗ cho các bệnh nhân có thể đi bộ, ngắm cảnh…

Dẫn chúng tôi đi thăm khoa là GS.TS.BSCC Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Nội Đang đi trên hành lang của khoa, chúng tôi thấy từng top bệnh nhân xúm lại với nhau. Top thì nói chuyện, top cười đùa, chọc nhau, có người tỉnh, người mê, cười đùa trong vô thức. Bỗng tiếng hát ngân nga, sâu thẳm, như chất chứa điều gì vang vọng lại…
Khi gặp GS.TS.BSCC Cao Tiến Đức, anh nhanh nhảu chào. Vị bác sĩ cười, vỗ vai anh và giới thiệu cho chúng tôi: Đây là bệnh nhân T., anh bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, lúc vui, lúc buồn.

Nếu không có màu áo của bệnh nhân, không có sự giới thiệu của bác sĩ thì chúng tôi cũng khá khó để phân biệt anh là bệnh nhân hay không…

Dáng người cao, vẻ mặt đẹp trai, giọng hát hay, từng là cán bộ nhà nước. Lẽ ra, anh T. cũng có một cuộc sống riêng khá hạnh phúc bên vợ và con trai, nếu như không xa ngã…

Là người bình phục nhanh, nên anh khá tỉnh táo, không cần người chăm sóc nữa và có thể nhớ để kể cho chúng tôi mọi chuyện. Tuy nhiên, những câu chuyện không đầu, không cuối, hoặc lặp đi, lặp lại vẫn còn. 

Năm 2014, anh T. lập gia đình với một cô gái làm nghề kế toán. Một năm sau ngày cưới, vợ chồng anh vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Niềm vui chưa tay gang thì năm 2015 anh vỡ nợ hơn 1 tỷ do thói quen cờ bạc, lô đề. Ban đầu chỉ là chơi vui, rồi hôm được, hôm mất khiến anh ham lúc nào không hay. Con nhỏ, nợ nần, công việc bị kỷ luật khiến anh rơi vào tình trạng mất ngủ. Mỗi đêm anh chỉ ngủ được 2-3 tiếng, rồi lại vào mạng đọc báo, xem phim quằn quại… Gia đình cũng cố gắng chia sẻ, thuốc thang nhưng anh vẫn không ngủ được.

Cuộc sống lại càng chán chường hơn khi vì chuyện nợ nần, vợ chồng anh đã ly thân rồi ly hôn. Và đây cũng là thời gian bi đát nhất của cuộc đời anh. Hơn 2 năm anh buồn bã rơi vào trầm cảm, không nói không cười. Gánh nặng đè lên đôi vai của bố mẹ. Gia đình đã đưa anh đi khắp nơi lấy thuốc, chữa trị nhưng không được. Đến nay anh đã nhập viện 12 lần trong 3 năm. Mỗi lần đều có bố hoặc mẹ chăm sóc một thời gian đến khi ổn thì họ lại phải trở về quê chăm cháu…

Cuộc chào hỏi ngắn ngủi, anh nói một hồi về bản thân mình xong, lại đeo đôi tai nghe và nghêu ngao hát… Khiến những người nhà đi chăm, những bác sĩ hay chúng tôi một lần ghé thăm cười ra nước mắt, xót xa cho căn bệnh anh gặp phải.

Các yếu tốt tác động đến tâm lý

Chia sẻ về ca bệnh này, GS.TS.BSCC Cao Tiến Đức cho hay, các nghiên cứu về rối loạn trầm cảm đã cho thấy nguy cơ bị bệnh này trong toàn bộ cuộc đời là 10-25% cho nữ và 5-12% cho nam. 

Trên hình ảnh chụp x quang cắt lớp vi tính (CT Scan), một số bệnh nhân giai đoạn trầm cảm (chủ yếu là nam giới) có sự giãn rộng các não thất. Đặc biệt các bệnh nhân giai đoạn trầm cảm có loạn thần thì hình ảnh giãn não thất rõ ràng hơn. Nghiên cứu bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy có hình ảnh teo nhân đuôi,  thuỳ trán và có sự bất thường ở thể trai so với nhóm chứng.

Bằng phương pháp chụp cắt lớp phát điện tử dương, người ta phát hiện ra có sự giảm dòng máu đến nuôi vỏ não nói chung và thuỳ trán nói riêng trong giai đoạn trầm cảm.

Gen di truyền quan trọng trong sự phát triển của bệnh trầm cảm. Nhưng các gen di truyền tuân theo một cơ chế rất phức tạp. Tuy gen di truyền là rất quan trọng, nhưng không thể phủ nhận vai trò của yếu tố tâm lí xã hội ở một số trường hợp trầm cảm. Các tác giả đều thống nhất rằng gen di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong bệnh sinh của giai đoạn trầm cảm nhưng không phải là tất cả. Yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong bệnh sinh của bệnh này.

Bệnh trầm cảm đang tăng lên trong những năm gần đây. Điều này được BS Bùi Quang Huy, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 giải thích như sau: Tuổi thọ của người dân được nâng lên, vì vậy tăng tỷ lệ trầm cảm ở nhóm người cao tuổi. Tốc độ đô thị hóa cao và lối làm việc công nghiệp gây tăng tỷ lệ trầm cảm. Do ngày nay các bác sĩ áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác hơn trước đây, vì vậy phát hiện được nhiều bệnh nhân trầm cảm hơn.

 

 

Phan Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN