“Cẩm nang sống”giữa rừng
Anh Hà Văn Din được bà con xã Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) gọi là “vua” gà 9 cựa vì có đàn gà quý nhiều nhất xã. Anh Din còn nổi tiếng là “bà đỡ” mát tay khi anh liên tục thành công trong việc nhân giống đàn gà.
Muốn đến trang trại của anh Din phải vượt qua con đường mòn xuyên rừng dài hơn cây số. Nhác thấy bóng người lạ, đàn gà chạy tán loạn. Anh Din mới nhẹ nhàng đưa chiếc loa tay lên miệng hú vài tiếng, đàn gà như bị thôi miên, chạy lại quây lấy anh. Anh Din té ra đất vài nắm ngô, đám gà lông ngũ sắc nhanh như cắt kéo đến ăn. Đám gà con mà sán lại gần là chúng dùng đôi chân khỏe, với những chiếc cựa tua tủa đánh cho tơi bời.
“Đám gà này ghê lắm. Anh hùng nhất khoảnh. Mỗi con tự vạch ra cho mình một khoảnh rừng. Con nào xâm phạm là bị đánh cho tơi bời ngay. Do vậy, với mỗi “gia đình” gà, mình phải để cho chúng một lãnh địa riêng” - anh Din chia sẻ.
Nhặt hết đám ngô vương vãi trên nền đất, đám gà trống lại được đà đòi ăn, nhưng anh Din bỏ mặc. Sau cả hồi đòi ăn mà không được chủ đáp lại, chúng lại nối đuôi nhau vào rừng kiếm ăn. Đến lúc này, anh Din mới nở nụ cười đầy ẩn ý: “Giống vật mà cho ăn no phè phỡn là nó quên chủ ngay. Giống gà này tinh ranh và rất khôn ngoan, mình cho nó ăn đói một tý, tối nó mới về. Hơn nữa, muốn chúng ra nhiều cựa, mình phải giảm trọng lượng của chúng xuống. Con nào béo, trọng lượng sẽ đè nặng lên đôi chân khiến cựa của nó khó phát triển”. Hóa ra, sau nhiều năm sống trong rừng, anh Din đã viết ra được cả cuốn “cẩm nang” nhân giống và chăm sóc gà 9 cựa.
Yêu gà, gà trả... bạc
Theo anh Din, gà 9 cựa là giống có nguồn gốc hoang dã, không ưa bị kìm kẹp hoặc nuôi nhốt chuồng. Chúng có thể tự kiếm ăn. Để bắt được một con gà như thế, anh Din phải quan sát từ chiều xem nó ngủ chỗ nào, đêm thì vào bắt.
Một điều vô cùng quan trọng nữa là nếu để nó sống hoang dã, số lượng gà tăng rất chậm. “Muốn chúng ở gần người, quen người, mình cũng phải thường xuyên tiếp xúc với chúng. Đám gà mái đạt 8-9 tháng tuổi là bắt đầu sinh sản được. Khi chúng đẻ ngoài bụi cây, tôi đã lấy trứng của chúng về để vào ổ gần nhà. Sáng, trưa, chiều tối, tôi đều cho chúng ăn ngô, ăn thóc. “Ăn ngon nhớ lâu”, vì thế mà đám gà mái cứ quẩn quanh trang trại, chứ không đi sâu vào rừng như trước”.
Từ ổ trứng mà anh Din định sẵn, gà mái cứ theo nếp vào đó đẻ. Đến thời kì ấp trứng, giống gà mái này cũng hung dữ và hiếu chiến chẳng kém gì gà trống. Đó là bản tính sinh tồn của con cái bảo vệ đàn con của mình. Sau nhiều năm quan sát và rút kinh nghiệm, anh Din tìm ra bí quyết: Khi con mái nhảy ổ là anh Din đến sờ vào từng quả trứng một. Sau nhiều lần như thế, đám gà mái đã dần quen hơi người và không phản kháng dữ dội như trước nữa.
Khi đàn gà nở ra, anh Din cất công vào rừng tìm các tổ mối, tổ kiến đào về cho gà ăn. Đám gà con ăn ngon, sướng miệng, cứ nhìn thấy ông chủ là chạy ùa lại. Lâu dần, đám gà này được cho ăn đã thành phản xạ.
Anh Din cho hay, giống gà 9 cựa này rất ít bệnh, sống trong môi trường hoang dã, nay được bổ sung thêm thức ăn nên đã phát triển nhanh hơn. Do vậy, sau mỗi năm, số lượng gà trong đàn tăng lên nhanh chóng. Có những năm, anh Din bán được cả 50 chú gà trống 8-9 cựa. Năm nay, đám gà trống với màu ngũ sắc tại trang trại đã có người đặt hết trước Tết 3-4 tháng, với giá 400.000 -500.000 đồng/kg, nhiều con có nhiều cựa thì giá đến vài triệu đồng/kg.
Theo bà Hà Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, gà 9 cựa được nuôi ở cả 4 bản của xã. Giống gà này rất khó tính, kén người nuôi, nên không phải gia đình nào cũng nuôi được. Đến giờ toàn xã cũng chỉ có 2.000 con, trong đó gà có 6-9 cựa rất hiếm. Gia đình nào may mắn lắm mới nuôi được 1 con gà 9 cựa.