Từ bao đời nay, người Việt vẫn quan niệm rằng, giao thừa là thời điểm đêm trời đất tối tăm nhất, nên họ thường dùng gà trống để cúng đêm Giao thừa với mong muốn đánh thức mặt trời, mang lại ánh sáng đủ đầy cho cả năm.
Hơn nữa, trong 12 con giáp hình ảnh gà trống chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong 12 con giáp, gà trống được coi là loài vật có 5 đức lớn: Văn- Võ- Dũng- Nhân-Tín. Trong đó, gà lấy đức Tín làm đầu, bất kể mùa đông hay hè, nắng hay mưa đều gáy đúng giờ, đúng canh.
Tuy nhiên, năm Đinh Dậu 2017 là năm con gà nên nhiều gia đình không cúng gà mà thay thế bằng cúng giò, thịt hoặc một đồ cúng khác, vì cho rằng năm gà thì cần phải tránh cúng con vật này. Vì vậy, vấn đề này đã gây ra sự tranh cãi trong những ngày gần Tết
Trả lời tờ VnExpress, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh (Giám đốc Học viện Phong thủy Ngũ hành) cho biết: “Việc dùng tranh gà, hay gà cúng là tập tục lâu đời, không liên quan đến năm con gà. Đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới cúng gà để xóa bỏ điềm xấu, trừ tà, đầu năm đón được trường khí dương tốt lành. Vì vậy, trong năm Đinh Dậu 2017 gia đình bạn hoàn toàn có thể cúng gà, không ảnh hưởng gì”.
Còn chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Thanh Truyền trẻ lời trên tờ Trí thức trẻ rằng: ““Quan niệm cúng cỗ đêm Giao thừa là một hình thức lễ nghi nhằm hướng tới yếu tố Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy, gia chủ không nhất thiết phải kiêng kị cúng thịt gà, nhưng nên cúng cỗ chay vào dịp Giao thừa”.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện công nghệ giáo dục cho rằng, chiều 30 Tết, gia đình nào cũng cúng lễ mặn gồm rồi nên đêm Giao thừa thì chỉ cần cúng đồ chay để thể hiện sự thanh cao, thanh sạch trong mâm cỗ. Đồng thời, việc cúng đồ chay sẽ giản tiện, ít tốn kém và dồn ứ thực phẩm trong ngày Tết.
Clip “Tập tục đón giao thừa của người Nam Bộ”. Nguồn: HTV9