Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:24
RSS

Luật sư nói gì về việc chủ nhà bị phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về?

Thứ sáu, 29/03/2019, 20:58 (GMT+7)

Luật sư đã có những phân tích về quy định “lạ” ở một số xã thuộc huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu về việc chủ nhà bị phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về.

Luật sư nói gì về việc chủ nhà bị phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về?Một số xã tại huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu (tỉnh Nam Định) có quy định sẽ xử phạt chủ nhà nếu để khách đến ăn cỗ mang phần về. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin liên quan đến việc chính quyền sở tại của một số xã thuộc huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu (tỉnh Nam Định) có hành vi “ép” mỗi gia đình phải đặt cọc 3 triệu đồng khi lên xã đăng ký tổ chức làm cỗ.

Theo đó, nếu chủ nhà để khách đến ăn cỗ mang phần về nhà sẽ tự động bị xử phạt số tiền 500.000 đồng/người. Quy định trên được cho rằng có mục đích xây dựng nếp sống văn minh, nhà có cỗ chỉ làm đủ ăn.

Ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, thông tin trên đã thu hút được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng với 2 luồng ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV Đời sống Plus về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, ăn cỗ lấy phần từ lâu trở thành một phong tục ở một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… Thông thường, bố mẹ, ông bà đi ăn cỗ sẽ lấy phần thịt, giò hoặc nắm xôi, về cho con cháu ở nhà.

Với nhiều địa phương, đó được coi là nét văn hóa và vẫn được lưu giữ đến ngày nay. ​Tuy nhiên gần đây ở một số xã thuộc huyện Giao Thủy đã có quy định giữa chính quyền địa phương xã và nhà làm cỗ, theo đó chủ nhà làm cỗ phải đặt cọc 3 triệu đồng với chính quyền xã và không được để khách ăn cỗ lấy phần, nếu không sẽ bị xử phạt, số tiền xử phạt sẽ bị trừ vào số tiền đặt cọc. ​

“Dưới góc độ pháp lý, hiện nay không có quy định nào về việc ăn cỗ lấy phần sẽ bị xử phạt vi phạm. Đây không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Việc chính quyền địa phương cụ thể UBND xã là cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi có căn cứ xác định có hành vi vi phạm.

Cần lập biên bản vi phạm và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới tuân thủ quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính theo quy Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012”, Luật sư Cường nói.

Luật sư nói gì về việc chủ nhà bị phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về?Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc chính quyền xã xử phạt chủ nhà để khách mang phần về khi đi ăn cỗ là trái với quy định của pháp luật

Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. ​

“Do đó, trong trường hợp này, UBND một số xã của huyện Giao Thuỷ, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) tự đưa ra một số quy định xử phạt là trái quy định pháp luật”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Cường cũng phân tích thêm, hiện nay ở một số địa phương tồn tại những thỏa thuận, nguyên tắc của một cộng đồng dân cư mà theo pháp luật gọi là “Hương ước”.

Tuy nhiên, “Hương ước” chỉ đảm bảo đúng quy định pháp luật khi được lập thành văn bản, quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được UBND cấp huyện công nhận, được niêm yết công khai cho cộng đồng dân cư.

Trình tự, thủ tục đảm bảo đúng quy định khi lấy ý kiến dự thảo, thông qua “Hương ước”, quy ước và được UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Do đó, trường hợp UBND cấp xã tự ý thỏa thuận với người dân về việc xử phạt mà không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng là trái quy định pháp luật.

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN