Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:44
RSS

Lãnh đạo tỉnh Nam Định nói gì về thông tin phạt tiền chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần?

Thứ sáu, 29/03/2019, 13:54 (GMT+7)

Nhà chức trách tỉnh Nam Định và huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu đã lên tiếng về thông tin ép người dân đặt cọc tiền và phạt 500.000 đồng nếu để khách ăn cỗ lấy phần về.

Nhà chức trách tỉnh Nam Định nói gì về thông tin phạt tiền chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần?Quy định đóng tiền cọc và phạt 500.000 đồng/người với chủ nhà có hành vi để khách lấy phần mang về khi đi ăn cỗ đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin liên quan đến việc chính quyền sở tại của một số xã thuộc huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu (tỉnh Nam Định) có hành vi “ép” mỗi gia đình phải đặt cọc 3 triệu đồng khi lên xã đăng ký tổ chức làm cỗ.

Theo đó, nếu chủ nhà để khách đến ăn cỗ mang phần về nhà sẽ tự động bị xử phạt số tiền 500.000 đồng/người. Quy định trên được cho rằng có mục đích xây dựng nếp sống văn minh, nhà có cỗ chỉ làm đủ ăn.

Ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, thông tin trên đã thu hút được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng với 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên tỏ ra tán thành, đồng thuận với quy định trên. Luồng ý kiến còn lại tỏ ra bất bình, không đồng thuận.

Ngày 29/3, trao đổi với PV, ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Phòng Văn hoá huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) cho biết Phòng Văn hoá huyện đã nắm được thông tin về vụ việc này. Tuy nhiên, theo ông Khôi, sự thật không phải vậy, nguyên nhân do nhiều người dân đã nắm bắt thông tin sai lệch.

Theo ông Khôi cung cấp, từ năm 2016, huyện Giao Thuỷ chủ chương phát động cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn và ăn cỗ không lấy phần”. Ông Khôi cũng nhấn mạnh đây là một cuộc vận động để người dân tự nguyện, tự giác thực hiện chứ không có chế tài gì để xử lý.

Cụ thể, huyện Giao Thuỷ có hướng dẫn số 873 năm 2016 hướng dẫn thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn toàn huyện. Chủ chương bám sát pháp lệnh dân chủ ở cơ sở để tổ chức họp cộng đồng dân cư lại để dân chủ, thảo luận sau đó đưa vào hương ước để tự thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có xã Giao Long và một số khu dân cư thuộc huyện Giao Thuỷ đã tự thoả thuận với nhau và tiến hành đặt cọc. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi cũng chưa có một trường hợp nào vi phạm và cũng chưa xử lý một trường hợp nào.

“Năm 2018, chúng tôi phối hợp với Phòng Tư pháp kiểm tra giám sát tại xã Giao Long. Khi phát hiện có trường hợp ép người dân đặt cọc và tự động phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần nên chúng tôi đã kiến nghị với UBND xã Giao Long yêu cầu không được tiếp tục thực hiện hình thức đó nữa”, ông Khôi nói.

Theo ông Khôi phân tích, làm như thế là trái với quy định của pháp luật Việc thực hiện chủ chương chủ yếu là tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện. Tất cả các văn bản hướng dẫn của huyện Giao Thuỷ không có nội dung xử lý, hoàn toàn mang tình chất tự nguyện.

“Đến giờ, cuộc vận động đã lan toả ra nhiều xã và nhiều địa phương đã làm tốt, người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện”, ông Khôi nói.

Đồng quan điểm trên, Ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng Văn hoá huyện Hải Hậu cũng cho biết, việc vận động diễn ra từ 2 năm trước, tuy nhiên, sau khi nhận những ý kiến trái chiều, chính quyền đã chấn chỉnh, yêu cầu chỉ vận động chứ không được ép buộc bà con.

Ở một diễn biến khác, Nguyễn Công Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết việc thực hiện cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn và ăn cỗ không lấy phần” là dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không được phép ép buộc hay xử phạt gì.

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN