Thứ năm, 28/03/2024 | 16:27
RSS

Lũ lụt ở miền Trung: Ít nhất 21 người chết và mất tích

Chủ nhật, 06/11/2016, 16:03 (GMT+7)

Mưa lớn và lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 15 người chết, 6 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước.

Sáng 6/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến 7h cùng ngày, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã có báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lớn và lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên.

Lũ lụt ở miền Trung khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”

Lũ lụt ở miền Trung khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Ảnh Dân Trí

Theo đó, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm 15 người chết, tăng 5 người so với báo cáo ngày hôm trước. Trong đó, Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Định 2 người (tăng 1 người), Phú Yên 7 người (tăng 4 người), Đắk Lắk 1 người, Zing News đưa tin.

Mưa lũ cũng khiến 6 người mất tích, tăng 1 người so với báo cáo trước đó. Cụ thể, Quảng Bình 1 người, Quảng Ngãi 3 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 1 người. Ngoài ra, hơn 45.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập ngước do mưa lũ gây ra. 12.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập.

Chỉ tính riêng ở tỉnh Lâm Động, mưa lớn và kéo dài trên diện rộng đã khiến hàng trăm ha rau màu của người dân ở dưới chân núi Langbiang, thuộc huyện Lạc Dương bị hư hỏng nặng. Nguy cơ vụ rau màu phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán sắp tới cũng sẽ không thể triển khai, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân.

Mưa lũ ở miền Trung đã cuốn trôi và tàn phá 12.000 ha lúa, rau màu,…

Mưa lũ ở miền Trung đã cuốn trôi và tàn phá 12.000 ha lúa, rau màu,… Ảnh Lao Động

Chia sẻ với báo VOV, ông Trần Hùng, ở Tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cho biết, gia đình đã bỏ ra hơn một trăm triệu đồng đầu tư trồng 1 ha các loại rau: bắp cải, sú tím và carôn, nhưng hiện một nửa diện tích này đã bị mất trắng, phần còn lại cũng đang trong tình trạng dập nát và hư hỏng nặng.

Nếu trong những ngày tới vẫn tiếp tục có mưa kéo dài, gia đình buộc phải ngưng tái sản xuất, như vậy sẽ không có lứa rau nào bán trong dịp Tết sắp tới.

Tương tự, mưa nhiều cũng khiến cho vườn dâu ăn trái của ông K’Biếu, ở thôn B’Nơ C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương bị hư hỏng, dịch bệnh bùng phát mạnh nên kinh tế của gia đình bị thất thu nghiêm trọng. Cụ thể, bình thường vườn dâu rộng 2 sào cho thu hoạch từ 35 đến 40kg quả/ngày thì thời gian gần đây, mỗi ngày chỉ cho thu được từ 3 đến 5 kg quả.

Không chỉ có hàng trăm ha rau màu bị thiệt hại, mà phần lớn diện tích cà phê ở huyện Lạc Dương cũng bị ảnh hưởng do mưa nhiều gây ra. Bên cạnh đó, lũ lụt ở miền Trung cũng khiến hơn 43.000 gia súc, giam cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đê, tuyến đường bị hư hỏng, giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng mới khắc phục tạm thời được một số tuyến đường, để người dân đi lại.

Giao thông nhiều vùng bị tê liệt vì lũ lụt ở miền Trung

Giao thông nhiều vùng bị tê liệt vì lũ lụt ở miền Trung. Ảnh Zing News

Hiện, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nước đã rút hết. Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông còn bị ngập cục bộ ở một số vùng trũng, thấp. Riêng, tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk nước đang rút chậm nên vẫn còn bị ngập.

Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

Các địa phương cần liên tục kiểm tra an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn đập và hạ du, nhất là các hồ đang xả lũ, tổ chức công tác khắc phục hậu quả, tổ chức đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung gây ra.

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus