Cơ quan chức năng kểm tra một cơ sở tại Thanh Hoá với hơn 4 tấn nội tạng bốc mùi hôi thối. Ảnh: CA cung cấp
Liên tiếp các vụ cơ quan chức năng phát hiện các vụ thực phẩm bẩn
Mới chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước có hàng trăm vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện và tiêu hủy. Riêng tại Hà Nội, sau nửa tháng ra quân của Sở Y tế và Chi cục Quản lý Thị trường, các đoàn đã kiểm tra gần 6.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và có tới 561 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Không chỉ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà tại rất nhiều tỉnh thành khác như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng…, lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện và xử lý các vụ hàng tấn thịt lợn, lòng, nầm bốc mùi hôi thối hoăc được tẩy trắng nhờ hóa chất H2O2, măng ngâm hoá chất, hải sản tiêm tạp chất, bánh kẹo nhuộm phẩm màu độc hại, thịt bò khô bị làm giả…
Trao đổi với PV Đời sống Plus, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết vấn đề thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng” đặc biệt trong dịp Tết đến.
"Thực tế cho thấy, để hạn chế và đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP ngoài sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, các tổ chức trong việc công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP thì việc nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng về ATTP cũng vô cùng quan trọng"- TS. Nguyễn Hùng Long nói.
Những thực phẩm hôi thối bốc mùi bị vứt dưới sàn đất không đảm bảo vệ sinh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, có không ít nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi hiện nay có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ.
"Nhiều cơ sở tuy đã được cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận an toàn nhưng trong quá trình kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm bẩn. Hoặc có cơ sở được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn nhưng khi bán lại trà trộn lẫn sản phẩm không rõ nguồn gốc"- ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, về cơ bản, việc sử dụng thực phẩm bẩn, lạm dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng… trong bất kỳ loại thực phẩm nào đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, dẫn đến ung thư, đột biến gen, quái thai... Tốt nhất người tiêu dùng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm để có sự lựa chọn thông minh.
10 tấn mì tươi bị pha, tẩm chứ hàn the vừa bị Công an Cần Thơ phát hiện
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thanh Phong, không chỉ mặt hàng nông sản tươi sống, với thực phẩm chế biến, nhiều cơ sở không đầu tư điều kiện sản xuất để bảo đảm ATTP, mua nguyên liệu trôi nổi và lạm dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc để hạ giá thành. Tuy nhiên, các bà nội trợ hãy là những người tiêu dùng thông thái, không nên ham rẻ, mua những sản phẩm trôi nổi, những sản phẩm có giá quá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường.
Để phần nào đề phòng thực phẩm bẩn, TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo người tiêu dùng phải kiên quyết không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nên ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt, nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu. Bởi có nhiều thực phẩm nguồn gốc là sạch nhưng do khâu bảo quản, chế biến không đúng cách dễ bị biến chất thành thực phẩm không tốt cho sức khoẻ.