Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
Chia sẻ với báo chí để lý giải rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.
Cụ thể, về Chỉ thị 16 của Thủ tướng vừa ban hành về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường.
“Không có chuyện phong toả. Các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động. Các nhà máy vẫn sản xuất nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Xe cá nhân vẫn đi từ Hà Nội về các tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết, nếu không, người dân không nên rời khỏi nhà, nơi đang cư trú. Những nhu cầu đi lại này Chỉ thị không cấm, nhưng nên hết sức hạn chế” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Theo lý giải của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước.
Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.
Ông Dũng cũng dẫn chứng ngay như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2m, khi ăn mỗi người một bàn.
Lần này, Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý. Nếu thủ trưởng cơ quan để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm, Tri thức trực tuyến cho hay.
Ngoài ra, người phát ngôn Chính phủ cho biết cấp trên trực tiếp quản lý sẽ giám sát, xử lý người đứng đầu cấp dưới trong việc thực hiện các yêu cầu này.