Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:56
RSS

Làn sóng Covid-19 thứ 2 sẽ ập đến vào mùa đông và tồi tệ hơn

Thứ sáu, 24/04/2020, 16:44 (GMT+7)

Theo nhận định từ chuyên gia, làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể sẽ ập đến vào mùa đông và nó thậm chí còn tồi tệ hơn những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Làn sóng Covid-19 thứ 2 sẽ ập đến vào mùa đông và tồi tệ hơn
Cảnh báo làn sóng Covid-19 lần thứ 2 sẽ ập đến kinh khủng hơn. Ảnh Dân trí. 

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Washington Post, ông Robert Redfield – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) đã cảnh báo về nguy cơ nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 2:  

“Chúng ta hoàn toàn có nguy cơ bị Covid-19 tấn công một lần nữa vào mùa đông tiếp theo. Thậm chí làn sóng thứ 2 này còn phức tạp và có sức tàn phá nặng nề hơn cả những gì chúng ta đang phải gánh chịu. Điều đáng quan ngại là khi tôi bày tỏ ý kiến này, nhiều người đã tỏ thái độ không quan tâm”, Dân trí dẫn lời cảnh báo từ ông Robert Redfield. 

Theo giải thích của giám đốc CDC Mỹ, thời điểm làn sóng thứ 2 của Covid-19 ập đến cũng sẽ trùng với cao điểm cúm mùa. Sự cộng hưởng của 2 dịch bệnh đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu này sẽ tạo nên sức tàn phá ghê gớm. “Hệ thống y tế của Mỹ lúc đó sẽ phải chịu một áp lực không thể tưởng tượng” – Ông nhấn mạnh.

Trong đợt tấn công đầu tiên của Covid-19, nước Mỹ đã trở thành tâm dịch lớn nhất toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra đã cướp đi mạng sống của hơn 47.000 người tại quốc gia này và số trường hợp bị lây nhiễm cũng đang nhích dần đến mốc 1000.000 người. 

Tuy nhiên, theo ông Robert Redfield, nước Mỹ vẫn còn gặp may mắn bởi dịch Covid-19 diễn ra sau khi dịch cúm mùa đã gần như kết thúc, nếu không con số thương vong sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong cuộc phỏng vấn này, giám đốc CDC Mỹ cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội Vị quan chức này cũng cho rằng, công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cần phải được mở rộng quy mô hơn nữa. 

Việc kết hợp đồng thời 2 biện pháp này mới giúp đem lại hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh, từ đó giải phóng cho các cơ sở y tế đang bị quá tải và giảm thiểu thương vong tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc duy trì các chính sách chống dịch nghiêm ngặt tại Mỹ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi nhiều người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình đòi dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.

Trên thực tế, “Làn sóng Covid-19 thứ 2” không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ, mà là một nguy cơ toàn cầu, nhất là khi nhiều quốc gia đang tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 20/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự đoàn kết toàn cầu được củng cố dựa trên sự tập hợp các khối đoàn kết dân tộc. Nếu không có hai điều này, hãy tin chúng tôi: Điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hãy ngăn thảm kịch này. Đó là loại virus mà nhiều người vẫn chưa hiểu về nó”.

Những lời cảnh báo và kêu gọi trên của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh số người mắc Covid-19 toàn cầu sắp cán mốc 2,5 triệu ca, trong đó hơn 170.000 người đã tử vong. 

Mỹ đã phát hiện ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên, một ca liên quan đến đi du lịch nước ngoài vào ngày 20-1 tại bang Washington. Tính đến sáng 22-4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 816.385 ca nhiễm virus corona chủng mới, 45.174 ca tử vong và 82.693 ca hồi phục, theo trang worldometers.info, Tuổi trẻ đưa tin. 

Ông Redfield và các chuyên gia y tế khác tin tưởng các biện pháp yêu cầu người dân ở yên trong nhà, đóng cửa trường học và doanh nghiệp cả nước đang làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, những biện pháp trên đang bóp nghẹt nền kinh tế Mỹ với hơn 22 triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp chỉ trong 4 tuần vừa qua.

Ông Redfield cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hành giãn cách xã hội cùng những biện pháp khác ngay cả khi lệnh phong tỏa dần được nới lỏng.

Giám đốc CDC cũng nói thêm rằng các quan chức y tế Mỹ cần phải mở rộng hệ thống xét nghiệm để xác định những người mắc bệnh và khoanh vùng các ca tiếp xúc gần với họ để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Tại châu Âu, tâm dịch của thế giới với hơn 1,1 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 100.000 ca tử vong, một số nước bắt đầu nới lỏng phỏng tỏa, mở cửa kinh tế trở lại khi cho rằng “thời kỳ tồi tệ nhất” đã qua.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC