Làm sạch răng
Vi khuẩn sinh sôi rất nhanh sau khi tiêu thụ xong đồ ăn và tiết ra chất keo dính kết lại với nhau tạo thành mảng gọi là mảng bám răng.
Mảng bám răng rất mềm và tiết ra axit làm sâu răng và tiêu xương xung quanh chân răng. Sau một thời gian, chất này đóng cứng thành cao răng ở gần nướu hoặc dưới nướu gây bệnh ở đây, làm tiêu xương, lâu ngày làm cho răng rụng.
Thông thường khoảng 24 giờ sau khi hình thành, mảng bám răng bắt đầu tấn công răng.
Các cách làm sạch răng thông thường như:
Súc miệng: Dùng nước súc miệng để tạm thời làm sạch răng, làm trôi đi các mảnh vụn giắt vào kẽ răng, khi đi ăn tiệc, đi picnic, học tại trường... mà không mang theo bàn chải. Có thể dùng nước sôi, nước muối pha loãng hay các loại nước súc miệng có bán trên thị trường.
Lau răng: Cách làm sạch răng tạm thời này có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Dùng vải sạch, gạc sạch quấn quanh ngón tay rồi lau hai hàm răng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Cha mẹ nên tập thói quen lau răng cho con ngay khi trẻ mới mọc răng sữa. Lau răng miệng cho trẻ ngay sau khi cho ăn bột hoặc bú sữa.
Chà răng: Đây là cách làm sạch răng phổ biến khi chưa có bàn chải và thuốc đánh răng, nay vẫn được sử dụng ở một số vùng nông thôn. Dùng vỏ cau khô đập dập một đầu, sau đó chà chỗ đầu miếng cau dập dó vào mặt răng. Chỉ dùng khi xa nhà, quên không mang theo bàn chải và cần dùng bàn chải chải răng thật sạch khi trở về.
Chỉ tơ nha khoa: Dùng bổ sung cho bàn chải đánh răng, làm sạch thức ăn, mảng bám ở cổ răng, kẽ răng... cần cẩn thận khi dùng chỉ tơ nha khoa, không ấn chỉ xuống sâu quá, không kéo chỉ qua lại để tránh làm tổn thương lợi, chảy máu lợi, cắt đứt dây chằng quanh cổ răng.
Bàn chải đánh răng: Nên sử dụng thường xuyên sau khi ăn, trước khi ngủ và lúc ngủ dậy. Đây là cách làm sạch răng hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay.
Tăm xỉa răng: Thường chỉ nên dùng để khều các mảng thức ăn giắt vào kẽ răng. Khi dùng cần cẩn thận tránh làm trầy, xây xát nướu. Nên dùng tăm đầu nhỏ bằng gỗ mềm.
Sử dụng sai tăm xỉa răng có thể làm trầy, xây xát nướu, viêm nướu, hở kẽ răng, mòn cổ răng, viêm nhiễm nướu răng dẫn đến bệnh nha chu (viêm quanh chân răng).
Dù dùng tăm xỉa răng trở thành thói quen lâu đời ở Việt Nam, vẫn không nên lạm dụng cách làm sạch răng này; đặc biệt không dùng cho trẻ em (đối tượng này chỉ nên dùng bàn chải).