Các nhà khoa học Anh phát hiện biến chủng covid-19 mới đáng lo ngại, có thể mang khả năng lây lan mạnh và kháng vắc xin (ảnh: Guardian)
Hôm 15.2, các chuyên gia y tế tại Đại học Edinburgh (Anh) cho biết, biến chủng Covid-19 mới, số hiệu B1525 với “đột biến đáng lo ngại” đã được phát hiện ở hơn 10 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ Úc, Đan Mạch.
Ở Anh, giới chức y tế phát hiện ít nhất 32 ca nhiễm Covid-19 là biến chủng B1525.
Theo nhóm chuyên gia Đại học Edinburgh, bộ gene của B1525 mang nhiều nét tương đồng với biến chủng Covid-19 B117 có khả năng lây lan mạnh.
B1525 còn mang đột biến E484K – loại đột biến xuất hiện ở các biến chủng Covid-19 phát hiện ở Nam Phi.
Đột biến E484K được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Covid-19 xâm nhập, bám chặt vào tế bào con người và “lẩn trốn” sự phát hiện của kháng thể.
Simon Clarke – phó giáo sư sinh học tế bào tại Đại học Reading – cho rằng, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về một số loại đột biến có khả năng giúp Covid-19 lây lan mạnh hoặc kháng vắc xin. Trong đó, E484K đặc biệt được lưu ý.
“B1525 rất đáng lo ngại. Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ về biến chủng này và bất cứ biến chủng nào mang đột biến E484K. B1525 có thể vừa lây lan mạnh, vừa kháng vắc xin”, ông Clarke nói.
Giáo sư Jonathan Stoye tại Viện Francis Crick cho rằng, Covid-19 sẽ xuất hiện nhiều đột biến hơn trong bối cảnh virus lây lan cho nhiều người và nhiều quốc gia đang triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn dân.
“Khi gây áp lực chọn lọc tự nhiên đối với Covid-19, virus có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch và đây là điều chúng ta đang chứng kiến. Tôi không ngạc nhiên khi biến chủng B1525 xuất hiện cùng lúc nhiều loại đột biến khiến chúng ta lo ngại”, ông Stoye nói.
“Việc phát hiện các biến chủng Covid-19 mới sẽ giúp các nhà khoa học điều chỉnh vắc xin họ đang phát triển. Chúng ta phải tăng khả năng của vắc xin khi đối phó với các biến chủng mới của virus. E484K là đột biến quan trọng giúp Covid-19 lẩn trốn kháng thể hình thành bởi vắc xin”, ông Stoye nhận xét.