Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:22
RSS

Kỳ Duyên có đáng nhận những chỉ trích khủng khiếp đến thế?

Thứ năm, 29/12/2016, 06:44 (GMT+7)

Bức hình hút thuốc lá và hít bóng cười của Kỳ Duyên vừa được tung lên mạng đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm và lời chỉ trích từ đông đảo người xem. Cô có đáng phải chịu những lời chỉ trích đó?

Không ngoài dự đoán, cả một cơn bão những lời chỉ trích, mai mỉa, công kích nặng có, nhẹ có, thậm chí là cả xúc phạm cũng xuất hiện nhắm vào cô Hoa hậu đã hết nhiệm kỳ.

Có cảm giác, nếu những cơn giận của công chúng được chuyển đổi thành năng lượng, hẳn Kỳ Duyên phải hứng chịu cả một... quả bom nguyên tử ném vào người. Lý do: Bởi cô dám hút thuốc và "chơi" bóng cười cùng bạn trong bar!

Kỳ Duyên 1

Kỳ Duyên hút thuốc lá và hít bóng cười

Công bằng mà nói, Kỳ Duyên không phải không sai. Những thói quen như hút thuốc lá hay hít bóng cười vốn không hề phổ biến hoặc dễ dàng được chấp nhận trong văn hóa Việt Nam Đặc biệt, với một Hoa hậu như Kỳ Duyên thì lỗi lầm này còn nặng nề hơn gấp bội.

Cô là một người của công chúng, mỗi lời nói hay việc làm đều có sức ảnh hưởng nhất định tới đám đông, cộng với việc những trách nhiệm không thể chối bỏ với danh hiệu mình mang.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần khiến những lỗi lầm của Kỳ Duyên trở nên nặng nề và "khủng khiếp" tới vậy. Nguyên nhân chủ yếu phải tới từ việc đã từ lâu, người ta luôn đặt ra những kỳ vọng rất đỗi hoang đường về những nàng Hoa hậu...

Kỳ Duyên 2

Dư luận đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào một hoa hậu

Rốt cuộc, chiếc vương miện Hoa hậu có chứa đựng phép màu hay thuốc thần biến người thường thành tiên nữ, thiên sứ hay không thì chẳng ai rõ được. Nhưng đối với đông đảo người hâm mộ, hễ cứ cô gái nào đoạt ngôi Hoa hậu là mặc định phải "lột xác" chóng vánh ngay sau đêm chung kết, trở thành một dạng "thánh nữ" không khuyết điểm.

Bất kể trước đó cô còn là cô học sinh trung học, nữ sinh đại học hay cô bé bán hủ tíu ở chợ ngoại thành, hễ cứ đội chiếc vương miện lên đầu là phải sang trọng như bà hoàng, kiêu sa như quý tộc, ăn nói khôn ngoan như chính trị gia và thông minh như bác học mới là xứng đáng!

Tiếc rằng, những cuộc thi Hoa hậu dù ở quy mô nào, tầm cỡ nào thì cũng chỉ dựa trên những tiêu chí chung: Sắc đẹp và khả năng ứng biến. Không có cuộc thi nào đủ kiên nhẫn và tài lực để "đãi cát tìm vàng" ra một thánh nữ đủ tâm, đủ sắc, đủ tầm để mà trao vương miện, mà thường chỉ trao nó cho cô gái nổi trội nhất về nhan sắc cũng như tài năng trong số các thí sinh tham dự.

Kỳ Duyên 4

Cuộc thi Hoa hậu chỉ dựa trên những tiêu chí chung: Sắc đẹp và khả năng ứng biến

Hoa hậu - nói cho cùng thì cũng chỉ là người chiến thắng trong một cuộc chơi nhan sắc, chỉ đơn giản vậy thôi! Cái gì mà đại diện cho phụ nữ Việt Nam, cái gì mà hình mẫu hay biểu tượng, tất cả những điều xa xỉ đó thực chất chỉ là những câu từ mang tính chất... quảng cáo, nâng tầm cho các cuộc chơi nhan sắc, chứ nào phải chân lý bất di bất dịch ở đời?

Chưa kể, thời buổi này bước chân ra đường có thể gặp ngay Hoa hậu, Hoa khôi, Nữ hoàng nhan sắc... Đủ các thứ danh hiệu thi nhau xuất hiện, đủ mọi loại vương miện được dày công chế tác và đủ mọi cô gái có tính cách khác nhau, lối sống khác nhau trở thành Hoa hậu.

Nếu cứ áp dụng đúng những thứ kỳ vọng lớn lao kia lên các cô gái đó, e rằng phần lớn trong số họ sẽ phải ngậm ngùi trao trả lại danh hiệu bởi "chịu không có nổi".

Rõ ràng, việc trở thành một thứ thánh nữ tinh khiết giữa cõi trần ô trọc này không phải chuyện dễ dàng, nhất là khi những cô Hoa hậu cũng có đủ hỉ nộ ái ố, đủ mọi thứ nhu cầu, ham muốn hết sức con người...

Quay trở lại câu chuyện của Kỳ Duyên, người ta sẽ thấy rằng thực chất, cô cũng chỉ là một nạn nhân của những thứ kì vọng lớn lao, những câu quảng cáo bị mặc định thành sự thực trong lòng số đông khán giả.

Kỳ Duyên 6

Hoa hậu Kỳ Duyên là một nạn nhân của những thứ kì vọng lớn lao

Chẳng mấy ai đủ tinh tường để nhận ra rằng không có một cuộc thi nào đủ quy mô để tìm kiếm ra người đại diện cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, cũng chẳng có đấu trường nhan sắc nào đủ tầm để "đãi cát tìm vàng" ra một Mỹ nhân hoàn hảo.

Họ bị nhầm lẫn một cách tội nghiệp giữa "cuộc thi" và "cuộc chơi" - những thứ khái niệm vốn khác xa nhau!

Cô sinh viên lên ngôi Hoa hậu năm mới xấp xỉ 20 tuổi chắc chắn chẳng thể nào đủ già dặn, thông minh và hoàn hảo như những gì người ta chờ đợi. Cô cũng như mọi cô nàng vừa bước qua tuổi trẻ con được ít lâu kia, cũng bồng bột, cũng xốc nổi, cũng hay mắc phải những lỗi lầm nho nhỏ, hay vướng phải những rắc rối tầm phào.

Với những cô gái bình thường khác, những thứ lỗi lầm đó có lẽ chỉ nhận lại sự trừng phạt bằng một vài câu trách mắng của mẹ cha, nhưng với Kỳ Duyên, những gì cô nhận lại thậm chí còn khủng khiếp chẳng kém gì tội khủng bố hay giết người hàng loạt. 

Hàng loạt comment nặng nề tới mức không tưởng "đổ bộ" rầm rộ xuống bức ảnh cô hút thuốc, khiến người ta kinh hãi nhầm tưởng cô vừa đầu độc hết cả một thế hệ thanh niên Việt qua hành động của mình.

Tương tự, cả núi comment tố cáo, lên án, chỉ trích, phẫn nộ cũng xuất hiện ngay sau bức ảnh cô ngồi cạnh quả bóng cười, cứ như thể cô vừa cầm đầu một đường dây ma túy xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Trong khi thực chất, cái thứ gọi là "bóng cười" đó chỉ là một hợp chất hóa học gây hưng phấn bày bán công khai, nhan nhản tại khắp mọi tụ điểm vui chơi.

Kỳ Duyên 9

"Bóng cười" là một hợp chất hóa học gây hưng phấn, được bày bán công khai

Còn cái lý do "sử dụng quá nhiều sẽ có hại" được dùng để nêu bật sự nguy hiểm của bóng cười hình như cũng có thể áp dụng vào với rất nhiều thứ khác. Ví dụ như ăn ớt quá nhiều cũng có thể bị đau dạ dày, uống cafe quá nhiều có thể gây vô sinh chẳng hạn. Thứ gì quá nhiều chẳng gây hại, thậm chí tới cơm ăn quá nhiều cũng có thể gây chết người vì bội thực...

Nói một cách công bằng, cô là người của công chúng thật, những gì cô làm có thể có sức ảnh hưởng nhất định tới một số khán giả thật, nhưng nó cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Không chỉ vì cô hút thuốc mà tất cả phụ nữ Việt cũng hăm hở tập hút theo, không phải vì cô chơi bóng cười mà bóng cười trở thành trào lưu trong giới trẻ. Không phải vậy.

Hãy cứ chê trách và chỉ trích, nhưng đúng mực và xứng đáng, chứ đừng đem những trách nhiệm lớn lao và hoang đường đổ ập lên đầu cô gái trẻ. Đừng bắt cô phải lên giàn lửa chỉ vì một lỗi lầm cỏn con, bé mọn.

Và trên hết, hãy bỏ thứ suy nghĩ "hoa hậu là đại diện cho phụ nữ Việt" hay "biểu trưng của nhan sắc, vẻ đẹp tâm hồn" ra khỏi trí óc đi. Chúng chỉ là những câu nói thuần túy mang nghĩa quảng cáo, đánh bóng cho thứ cuộc chơi nhan sắc mang tên Hoa hậu, chứ nào phải chân lý ở đời. Mà hễ là quảng cáo, thì chúng thường cách rất xa sự thật...

Tùng Lâm
Theo Đời sống Plus