LTS: Làng võ Trung Quốc như đang trong cơn địa chấn bởi lời thách đấu ngông cuồng, ngạo mạn của võ sĩ Từ Hiểu Đông. Thực tế, từ khiêu chiến kiểu hạ nhục ấy, nhiều người đã phải thừa nhận sức mạnh, sự ảo diệu của võ thuật Trung Hoa chủ yếu được phim ảnh thổi phồng.
Theo nhiều võ sư nổi tiếng thì khác với võ thuật Trung Hoa, võ Việt Nam xuất phát từ võ trận nên sức mạnh của võ Việt đã được "kiểm chứng" từ lịch sử chống giặc ngoại xâm ròng rã. Và, tuy không ngông cuồng, hống hách nhưng thời nào thì làng võ Việt cũng đã phải ngênh tiếp những "Từ Hiểu Đông" thích phân tài cao thấp.
Cuộc "mời trà" có một không hai của sư bá Lý Tiểu Long
Giống như ở Trung Quốc, Vịnh Xuân cũng là võ phái nổi tiếng ở Việt Nam. Người có công đem Vịnh Xuân về với làng võ Việt là võ sư Tế Công, người gốc Trung Quốc.
Võ sư Tế Công tên đầy đủ là Nguyễn Tế Công, là sư huynh của danh sư Diệp Vấn, Chưởng môn phái Vịnh Xuân ở Hồng Kông (tôn sư của hiện tượng điện ảnh Lý Tiểu Long).
Theo lời kể của võ sư Phan Dương Bình, học trò cưng của "sư bá Lý Tiểu Long" thì năm 1907, võ sư Tế Công đến Việt Nam và một thời gian sau thì truyền dạy võ thuật.
Vịnh Xuân thiên về nhu, lấy nhu chế cương và phân biệt rạch ròi giữa nội công và nội lực. Nội công là khả năng chịu đòn, nội lực là lực đánh ra. Cả hai thứ trên, trong làng võ hiếm môn phái nào sánh kịp.
Võ sư Phan Dương Bình kể, dù theo cụ Tế Công học võ chỉ vỏn vẹn 2 năm nhưng những khả năng siêu phàm của sư phụ mình thì đến giờ lão võ sư vẫn còn ấn tượng, đặc biệt là những màn đấu võ mà giờ mọi người chỉ thấy trên phim.
Hôm ấy, nhác thấy hai người Tàu đang ngáo ngơ trên phố, cụ Tế đã vẫy đệ tử Phan Dương Bình lại và bảo: “Pha cho thầy ấm trà ngon, sắp có khách quý!”.
Quả như lời thầy, khi chén trà nóng hôi hổi vừa được rót ra thì hai vị khách người Tàu đã đứng ngay trước mặt. Cầm chén nước trên tay, cụ Tế cung kính mời khách theo đúng nghi thức của người Trung Hoa.
Thế nhưng, đó chẳng phải là kiểu mời nước bình thường. Chủ tay nắm chặt chén nước, khách thì phùng mồm trợn mặt bóp chặt tay chủ phía ngoài. Chủ vẫn vẻ mặt điềm nhiên, nói nói cười cười tiến ra cửa và đẩy khách ra theo.
Bị đẩy, người khách thứ hai vội vã nhảy vào tiếp sức nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Cả hai bị chủ dồn ra tận ngoài cửa, trong khi chén nước trên tay chủ vẫn không hề sóng sánh. Đến khi ấy thì hai vị khách phải nhượng bộ, nhảy dạt sang hai bên và chắp tay, nói những lời khâm phục.
Lão võ sư Phan Dương Bình kể, khi mời khách trở lại nhà, trò chuyện, ông được biết, hai vị khách ấy 10 năm trước, trong cuộc tỉ thí đã bị sư phụ Tế Công đánh bại.
Mười năm, họ đã dồn hết tâm trí, sức lực để luyện võ và lặn lội khắp nơi để tìm cụ Tế, những mong trả được mối hận năm nào. Thế nhưng, chỉ bằng động tác thử trên, họ đã biết, võ công của mình còn kém cụ Tế rất nhiều.
Những võ sinh hống hách và cú ra đòn thần sầu của võ sư có khuôn mặt như tướng thời trung cổ
Trong làng võ Việt, võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng môn phái Hoa quyền, đệ tử chân truyền của lão võ sư nổi tiếng Hoàng Thanh Vân (Chưởng môn đời thứ 2 của Hoa Quyền) là một trong những người phải “cọ xát” quyền thuật nhiều nhất trong hành trình lập nghiệp của mình. Điều này đã được võ lâm đồng đạo xác nhận.
Võ sư Vũ Quang Tín mắt sắc, mày rậm, tóc búi củ hành, râu rậm và được tỉa tót công phu như để tôn khuôn mặt thêm phần dữ dằn chẳng khác nào một võ tướng thời trung cổ. Tuy nhiên, bất cứ ai tiếp xúc cũng đều thấy võ sư là người nền nã, khiêm nhường.
Tuy nhiên, bản tính ôn hòa ấy cũng chẳng thể giúp võ sư tránh khỏi những cuộc tỉ thí nảy lửa bởi những kẻ thách đố quá đỗi ngông cuồng, ngạo mạn.
Võ sư Vũ Quang Tín kể, có lần đến thăm một anh bạn cũng luyện võ ở trên phố Trần Quốc Toản một mình ông đã phải chiến đấu với cả nhóm gồm 7 võ sĩ vừa tu nghiệp ở nước ngoài về.
Hôm ấy, bởi đến mà không báo trước nên khi vào nhà, ông bất ngờ khi thấy nhà bạn mình lố nhố kẻ đứng người ngồi. Họ chính là những võ sĩ vừa về nước muốn so tài cao thấp cùng bạn ông.
Thấy một người đàn ông thấp bé xuất hiện, một gã trong đám bảo, ông nên ngồi vào góc giường, nếu không muốn vạ lây bởi sắp có đánh nhau to. Điệu bộ hống hách của đám võ sĩ ấy khiến ông khó chịu, nhưng nghĩ chẳng phải chuyện của mình, ông đành… ngoan ngoãn ngồi vào nơi mà họ đã “tận tình” chỉ bảo.
Tuy cuộc đấu chưa diễn ra nhưng quan sát, ông đoán biết, bạn mình đã có phần e sợ. Không tự tin thì khi thử tài chắc chắn chuốc lấy thất bại nên ông đã đứng dậy tham gia: “Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên trao đổi võ thuật thôi. Như vậy thì cũng đủ để rạch ròi cao thấp”.
“Không đánh hết lực thì làm sao phân biệt được! Phải đánh thẳng tay!”, một gã trong toán khách không mời quả quyết.
Trước tình thế ấy, nghĩ bạn mình không phải là đối thủ của toán người lực lưỡng trên, ông đã quyết định đứng ra tỉ thí thay bạn. Thấy ông nói vậy toán người trên chỉ cười khẩy nhưng vẫn gật đầu chấp thuận.
Có lẽ, những võ sĩ này đã nghĩ, tạng người thấp bé như ông thì chắc chẳng phải là đối thủ. Tuy nhiên, phòng trường hợp “ngoạ hổ tàng long”, họ vẫn cử một người cao to nhất ra ứng đấu.
Ra sân tỉ thí, võ sinh tung đòn tới tấp khiêu chiến tung đòn tới tấp bằng những cú đánh sấm sét. Bằng sự nhanh nhẹn của mình, võ sư Hoa quyền cứ dập dềnh né, tránh. Và, sau chừng 3 phút liên tiếp "xuất chiêu" mà không trúng đích, võ sinh hùng hổ kia đã thấm mệt và có tỏ thái độ nôn nóng.
Lúc này, võ sư Tín mới ra tay. Lựa thế võ sinh kia sơ hở ra đòn lỡ chớn, ông phản đòn đánh bật võ sinh cao lớn ấy về góc sân. Cú đánh ấy khiến võ sinh này ngã xõng xoài phải mất hồi lâu mới loay hoay gượng dậy.
Sau cú đòn ấy, võ sinh này đã chắp tay xin thua rồi đứng dạt ra phía sau. Vẫn đứng nguyên vị trí đó, võ sư Vũ Quang Tín ra hiệu cho người khác vào xới. Thế nhưng, chứng kiến đòn đánh của ông “dành cho” đồng đội mình, toán người ấy đứng như trời trồng, không ai nhúc nhích chân tay “xung trận” nữa.
Chờ một hồi không thấy ai vào, ông mới chắp tay, từ tốn bảo: “Làng võ Việt Nam nhiều người tài giỏi hơn tôi gấp mấy trăm lần. Các cậu còn trẻ, học võ mà quên mất đạo thì thành tài sao được! Thôi, về học thêm đi. Khi nào thấy đủ, cứ tìm tôi mà thử!”.
Trận thử tài nảy lửa và nỗi day dứt khiến cao thủ võ Việt "ẩn mình"
Trái ngược với võ sư Vũ Quang Tín, võ sư Lý Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam lại là người ít phải sử dụng quyền cước vào những cuộc tỉ thí võ thuật.
Trò chuyện với phóng viên, võ sư Băng Sơn bảo, đến giờ ông vẫn thấy áy náy vì một lần ra tay đã khiến một võ sư lâm vào cảnh tàn phế. Chính bởi nỗi day dứt này mà ông ít động tay chân mỗi khi gặp sự cố, kể cả đối thủ là những kẻ ngông ngênh, xem nhẹ võ đức.
Võ sư Băng Sơn
Võ sư Băng Sơn kể, nghe tiếng ông đã từng thọ giáo nhiều bậc đại sư tiếng tăm lừng lẫy, một võ sư cũng học thầy Tàu ở quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần gửi lời thách đấu.
Vị võ sư ấy lực lưỡng, sức mạnh thì kinh hồn, mỗi cú thôi sơn có sức nặng ngàn cân. Để biểu diễn sức mạnh của mình trước võ lâm đồng đạo, vị võ sư ấy từng dùng tay trần đấm tróc vỏ cây.
Khiêu chiến mãi không được, vị võ sư đó đã nhờ một người quen mờ võ sư Băng Sơn tới nhà uống rượu. Nghĩ đó là sự ân tình, ông đã không đã vui vẻ nhận lời.
Ban đầu cuộc rượu đó diễn ra rất vui vẻ, thế nhưng, rượu vào thì lời ra, chủ đề võ thuật lại được chủ nhà nhắc tới. Lần này, ông ta có những lời miệt thị, xúc xiểm đến việc mấy lần ông từ chối lời thách đấu. Cùng với sự chế nhạo đó, ông ta khoe những thế võ độc của mình.
Rượu cũng đã ngà ngà, trước sự khoe khoang vô lối của đối phương, võ sư Băng Sơn bảo, những thế võ đó, ông có thể hóa giải được. Và, ngay trong cuộc rượu đó, ông đã “diễn thuyết” cách thức phá chiêu của mình. Bị bóc mẽ, trước đám đệ tử của mình, gia chủ đã vô uất ức và nói "Băng Sơn chỉ giỏi võ mồm, còn quyền cước thì chẳng đến đâu".
Vẫn bằng cái giọng khiêu khích, hợm hĩnh, ông ta thách người ngồi đối diện với mình ra sân thi đấu.
Thái độ ngạo mạn quá quắt ấy, hơi men trong người đã làm võ sư Băng Sơn tức giận. Ông đứng phắt dậy, ra sân. Nhưng, với “thói quen” vốn có khi thi đấu của mình, võ sư Băng Sơn kể, ông vẫn nhường cho đối thủ tấn công trước 3 đòn.
Đúng như đã nói ở trong mâm rượu, hai đòn đầu, khi đối phương tung chiêu độc, ông đã lần lượt hóa giải và nhứ đòn vào những chỗ hiểm của đối phương. Đòn thứ ba cũng vậy, như mãnh thú say mồi, đối phương hùng hục lao tới, nhưng ông cũng nhanh chóng vô hiệu hóa chiêu thức ấy.
Đã quy ước trước, khi hai bên giao đấu, không được cố tình đánh vào những tử huyệt của nhau như yết hầu, mắt, hạ bộ… Thế nhưng, đòn thứ 3 này, đáng ra, khi đã bị triệt tiêu, vị võ sư kia phải dừng lại và coi như cuộc đấu đã phân biệt rõ kẻ thắng người thua. Vậy nhưng khi võ sư Băng Sơn đã dừng đòn, bởi cay cú bất thình lình gia chủ chơi ngay đòn hiểm, xỉa thẳng tay vào mắt đối phương.
Không đề phòng nên trước cú đánh bẩn ấy, ông chỉ kịp ngửa mặt tránh. Tuy thế, ngón tay của đối phương vẫn cầy rách mí mắt trái của ông. Sau cú đánh đó, tiện tay, gia chủ tung ngay một đòn như trời giáng vào vai trái khiến ông loạng choạng.
Biết đối phương quyết hạ độc thủ, hết đường lùi, ông quyết định phản đòn. Lấy lại thăng băng, sau cú thôi sơn vào vai đối phương, chưa kịp thu tay về thì đã bị võ sư Băng Sơn túm lấy giật mạnh về phía trước.
Võ sư Băng Sơn kể, khi đối phương lỡ chớn, lao theo cú giật đó thì ngay lập tức, ông lách sang bên rồi giáng luôn một đòn vào mang tai đối phương và tiếp theo là một đòn vào phần gáy. Đồng thời với seri đó là một cú gối thốc ngược lên phản đà đổ xuống của đối thủ.
Dính 3 đòn liên tiếp, vị võ sư cao to ấy bật ngược ra phía sau và nằm bất động.
Võ sư Băng Sơn kể, vài tuần sau, có người đến tìm ông báo tin, vị võ sư ở Hoàn Kiếm đó sau lần tỉ thí với ông đã nằm liệt giường, không thể nào đi lại được nữa. Tin ấy làm ông giật mình, kinh hãi. Có lẽ tại bởi uống rượu, bởi tức giận nên hôm đó ông đã xuống tay quá nặng và những cú đòn đó đã làm kinh mạch của đối phương bị tổn thương, sinh ra bại liệt.
Ăn năn, hối hận, ông đã vội vàng đường sữa lên thăm.
Gặp ông, vị võ sư đó đã thiểu não bảo: “Lỗi này do tôi, ông không phải bận tâm gì. Suốt mấy tuần qua, nằm suy nghĩ, tôi biết, với tính khí ấy của mình thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp cảnh này”.
Mời độc giả của Đời sống Plus đón đọc kỳ 3 được đăng tải trên báo vào ngày tiếp theo...