Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:37
RSS

Kỳ 1: Cái kết bất ngờ và chát đắng của những "Từ Hiểu Đông" khi thách đấu với cao thủ võ Việt

Thứ bảy, 06/05/2017, 12:35 (GMT+7)

Đất võ Bình Định thời nào cũng sản sinh những cao thủ xuất chúng thế nhưng nhiều người vẫn truyền tai những chuyện kịch tính về những trận so tài của các võ sư đất võ với những "kẻ khiêu chiến ngông cuồng".

LTS: Làng võ Trung Quốc như đang trong cơn địa chấn bởi lời thách đấu ngông cuồng, ngạo mạn của võ sĩ quyền anh Từ Hiểu Đông. Thực tế, từ khiêu chiến kiểu hạ nhục ấy, nhiều người đã phải thừa nhận sức mạnh, sự ảo diệu của võ thuật Trung Hoa chủ yếu được phim ảnh thổi phồng.

Theo nhiều võ sư nổi tiếng thì khác với võ thuật Trung Hoa, võ Việt Nam xuất phát từ võ trận nên sức mạnh của đã được "kiểm chứng" từ lịch sử chống giặc ngoại xâm ròng rã. Và, tuy không ngông cuồng, hống hách nhưng thời nào thì làng võ Việt cũng đã phải ngênh tiếp những "Từ Hiểu Công" thích phân tài cao thấp.

Đệ nhất roi khuất phục tướng cướp khỏe hơn beo cọp

Cố võ sư Phan Thọ

Cố võ sư nổi tiếng Phan Thọ trên một bìa báo nước ngoài

Đất võ Bình Định có nhiều địa danh đi vào ca dao, tục ngữ bởi là nơi phát tích, “nuôi nấng” những dòng võ cũng như những võ sư danh trấn thiên hạ. Vì thế dân gian ta có câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”…

Thôn Thuận Truyền nằm ở xã Bình Thuận, thôn An Vinh thuộc xã Bình An (quận Bình Khê), An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn, giờ vẫn tồn tại rất nhiều những lò võ nức tiếng xa gần.

Roi Thuận Truyền không rõ sáng tổ là ai nhưng từ trước đến nay vẫn tôn vinh tên tuổi của võ sư Hồ Ngạch. Hồ Ngạch tên thật là Hồ Nhu, ông sinh năm 1891, mất năm 1976, nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, sinh sống tại thôn Thuận Truyền, Bình Thuận.

Theo sự truyền tụng của giới võ lâm khi ấy, đường roi của Hồ Ngạch là tuyệt kĩ vô song. Sau hơn chục năm lăn lộn với côn, quyền tiếng tăm của Hồ Ngạch ngày một vang xa hệt như diều gặp gió.

Danh tiếng lẫy lừng, Hồ Ngạch thường được những người học võ tìm đến để thi thố tài nghệ. Dân Bình Định đến giờ vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện Hồ Ngạch bị các cao thủ khiêu chiến, thậm chí cả “đánh úp” hết sức lạ lùng.

Các cao nhân thử tài với Hồ Ngạch thì nhiều lắm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những trận thư hùng với lực sĩ Dư Đành. Dư Đành là tướng cướp, về võ công thì đến cả quân lính triều đình khi nghe thấy tên cũng đã hồn xiêu phách tán.

Tung hoành khắp vùng không có đối thủ, nghe tiếng Hồ Ngạch, Dư Đành nhiều lần gửi lời khiêu chiến. Chối từ mãi không được, sau cùng Hồ Ngạch cũng phải nhận lời thách đấu.

Lần ấy, Dư Đành đem lũ lâu la về tận Thuận Truyền và hống hách đưa ra điều kiện, nếu Hồ Ngạch đấu thua thì phải ra nhập đảng cướp của y. Vậy là, tại bãi vắng ngay sát thôn Thuận Truyền đêm ấy, một mình Hồ Ngạch đã đánh bại cả chục tên đệ tử của Dư Đành, vốn đều là những cao thủ võ lâm.

Khi đám tay chân mỗi tên nằm một góc thì Dư Đành xuất hiện.

Phải nói thêm rằng, Dư Đành có sức mạnh chẳng ai sánh kịp. Đã có lần, để diễu võ dương oai, một tay y đã cắp cả một con nghé hệt như người ta nhẹ nhàng bồng trên tay đứa trẻ. Với thanh đao sáng loáng trên tay, vừa xuất hiện là Dư Đành tung đòn tới tấp.

Thế nhưng, với đường roi thượng thừa của mình, Hồ Ngạch cũng chẳng hề nao núng. Đánh mãi mà vẫn không tìm được kẽ hở để “ăn sống nuốt tươi” đối phương, Dư Đành thấy máu nóng dồn lên mặt.

Khi ấy, Hồ Ngạch đã ra đòn tuyệt kỹ.

Tránh đòn truy hồn của đối phương, ông nhẹ nhàng tung người đá văng thanh đao cắm xuống đất, đồng thời xoay người giở đòn đánh nghịch. Biết đã vào thế hiểm, tiến thoái lưỡng nan, Dư Đành đành nhắm mắt chờ đường roi sát thủ.

Thế nhưng, sau khi tiếng roi vun vút cất lên, Dư Đành đã thở phào choàng tỉnh bởi đường roi vừa chạm áo thì đối thủ đã thu về không đánh nữa.

Chuốc vạ bởi đòn thù hiểm ác

Trận thư hùng ấy, dù đã nợ Hồ Ngạch một mạng nhưng Dư Đành vẫn không chịu phục. Y rắp tâm kiếm cơ hội trả thù.

Một chiều, đang mải mê với những chiêu thức võ thuật thì Hồ Ngạch được mọi người báo tin không biết ai đã đến nương sắn nhà mình và nhổ hết sắn đóng vào những giỏ lớn. Điều lạ lùng là tất cả số sắn đó, kẻ trộm không lấy mang đi mà vẫn để nguyên trên rẫy.

Hồ Ngạch đâu biết rằng đó là một âm mưu của Dư Đành.

Ra rẫy, thấy sắn bị nhổ, chẳng còn cách nào khác, Hồ Ngạch đành phải quẩy những sọt sắn trĩu nặng ấy về. Vừa đi được một đoạn thì từ bụi cây bên đường, Dư Đành vọt ra với chiếc bắp cày trên tay.

Chẳng nói chẳng rằng, y tung luôn một đường sát thủ. Nghe tiếng gió, Hồ Ngạch vội thụp xuống. Đường cày vụt qua đầu, văng thẳng vào cây bồ lời làm thân cây gẫy gập.

Lợi dụng luôn cú đánh hụt ấy, Hồ Ngạch tức tốc áp sát, nhanh như chớp, chụp luôn tay Dư Đành rồi sử dụng thế lạc côn, không những hoá giải mà còn biến sức đối phương thành lực của mình, hất thẳng Dư Đành xuống bụi tre gần đó.

Mắc kẹt giữa đám tre gai góc, lúc ấy, Dư Đành mới khẩn khoản xin tha và hứa từ đó không bao giờ dám về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.

Cố võ sư Trần Hưng Quang, Chưởng môn phái Bình Định Gia - người góp công đưa võ Bình Định ra Bắc

Cố võ sư Trần Hưng Quang, Chưởng môn phái Bình Định Gia - người góp công đưa võ Bình Định ra Bắc

Cao thủ Taekwondo bị hạ đo ván bẽ bàng vì khiêu chiến "nhầm" đối thủ

Sáng tổ của làng quyền An Vinh là Nguyễn Ngạc, tức Hương Mục Ngạc. Theo các võ sư Bình Định thì bà tổ cô của Nguyễn Ngạc chính là thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Tiếp thu sở học của gia đình cũng như nhiều tiền nhân lúc bấy giờ, chuyên tâm nghiên cứu quyền pháp, Nguyễn Ngạc đã sáng tạo ra nhiều tuyệt kỹ điêu luyện, đặc biệt là ngón song xỉ đã nức danh khắp chốn.

Quyền An Vinh thiên về đánh hiểm, đánh móc, đánh không hết tay, phản đòn nhanh, liên tục. Khi đánh, thường phải áp sát đối phương mới tìm được lợi thế cho mình.

Nguyễn Ngạc có nhiều học trò, họ đều là những võ sư ưu tú, tiếng tăm lừng lẫy. Trong số ấy phải kể đến Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác, Sáu Hà, Tám Tự, Hai Tửu, Hương Kiểm Mỹ…

Bảy Lụt tên thật là Nguyễn An là con trai của Nguyễn Ngạc. Ông sáng dạ, sức khoẻ thì phi phàm, lanh lẹ tựa cọp beo.

Năm 1935, Bảy Lụt cùng em mình là Chín Giác và Hương Kiểm Mỹ tham dự giải đấu võ đài toàn quốc tại Huế. Thi đấu thắng hàng loạt đối thủ, ông đã đem về cho làng quyền An Vinh huy chương vàng.

Vo sinh Bình Định

Võ sinh Bình Định

Võ sinh Bình Định

Roi Thuận Truyền vẫn được các võ sinh Bình Định rèn luyện

Từ đây, danh tiếng về làng võ này đã được các môn sinh khắp nơi biết đến. Thừa hưởng các bí kíp quyền pháp của cha, không để thất truyền, Bảy Lụt cũng chiêu mộ nhiều đệ tử. Trong số ấy, nổi danh nhất là võ sư Phan Thọ, người gốc Bình Nghi (Tây Sơn) người đã thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh.

Võ sư Phan Thọ sinh năm 1925, bắt đầu học võ từ năm 17 tuổi.

Cũng giống như nhiều võ sư nổi tiếng khác, võ sư Phan Thọ cũng đã có nhiều trận thi tài mà đến giờ nhiều người khi nhắc tới đều vẫn ngả mũ thán phục tài năng. Ngày ấy, khu vực Nam bộ, Trung Nam bộ rộ lên phong trào thi đấu võ đài theo kiểu tự do. Dù đã thượng đài rất nhiều lần nhưng Phan Thọ vẫn chưa có đối thủ. Tiếng tăm ông mỗi lúc một vang xa.

Năm 1972, một võ sư Taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sĩ quan quân đội Nam Hàn đã tìm đến ông gửi lời khiêu chiến.

Bị “áp đáo tại gia”, dù mến khách nhưng không có cách nào khác, ông phải nhận lời. Trận tỉ thí diễn ra ngay trong nhà. Không khách khí, khách tung đòn trước. Đó là một cú đá có sức mạnh kinh hồn.

Nhanh như sóc, Phan Thọ cúi người né tránh khiến chiếc cột giữa nhà thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Thiết cước ấy làm cả gian nhà rung chuyển. Thủ thế đến chiêu thức thứ ba, khi đối phương vẫn hăng say tung những cú đá nhanh như chảo chớp của mình, lựa một cú đá quét ngang mặt của đối phương, ông liền giở thế tấn mã tam chiến, một chân quét, một tay đỡ đòn, tay còn lại dương hổ trảo, hạ luôn đối thủ.

Chỉ một cú đánh ấy, viên sĩ quan Nam Hàn đã nằm sõng soài ngay góc nhà.

Tuổi cổ lai hi vẫn "xơi tái" võ sinh Hàn Quốc

Võ sư Phan Thọ

Võ sư Phan Thọ

Võ sư Phan Thọ đang chỉ chạy quyền cước cho học trò

Tuổi xưa nay hiếm nhưng lão võ sư Phan Thọ vẫn phải đứng ra nhận lời thách đấu của giới võ lâm. Năm 1998, một đoàn võ sĩ cũng của Hàn Quốc lại tìm đến nhà ông.

Họ cho rằng, võ cổ truyền của Việt Nam chỉ là võ vườn, không có đẳng cấp như Taekwondo nước họ.

Tuy đã có tuổi, chẳng còn máu hơn thua nhưng với khi đã chạm đến lòng tự hào dân tộc, lão võ sư lại sắn áo “thượng đài”. Lợi dụng sức trẻ, võ sinh Hàn Quốc ra đòn vun vút. Có cú sát thủ đến nỗi cả mảng vữa tường rơi lả tả.

Lão võ sư cứ nhẹ nhàng tránh né, hoá giải, chờ cơ hội. Và cơ hội ấy cũng đã đến khi đối phương tung một cú đòn lỡ chớn. Chỉ chờ có vậy, lão võ sư liền cúi người, quét luôn chân trụ.

Chỉ một cú đòn ấy, đám khách không mời đã phải chắp tay: “Công phu Tây Sơn danh bất hư truyền!”.

Mời độc giả của Đời sống Plus đón đọc kỳ 2 được đăng tải trên báo vào ngày tiếp theo...

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus