Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang khác ở thôn Thượng Cốc (xã Thượng Cốc, Phúc Thọ, Hà Nội), căn nhà rộng 15m2 là chỗ trú ngụ của hai mẹ con chị Đỗ Thị Hường (SN 1973) và Nguyễn Văn Thường (SN 1999). Giữa cái nắng chói chang, tiếng hú thất thường rồi nhanh chóng chuyển qua điệu cười khúc khích của đứa con chị Hường khiến nhiều người giật mình.
Người mẹ nghèo nuôi con thần kinh ở Phúc Thọ, Hà Nội
Chồng không bình thường, con bị thần kinh
Lấy chồng là chàng trai mồ côi được một gia đình trong thôn nhận nuôi, cô thôn nữ Đỗ Thị Hường bẽn lẽn, bén duyên theo sự sắp đặt của cha mẹ. Sau tháng ngày sống chung với nhau, chị sinh được một đứa con trai và đặt tên là Nguyễn Văn Thường vào năm 1999. Những tưởng cuộc sống êm ả trôi qua thì đâu ngờ, đứa con trai lọt lòng đã mang căn bệnh tâm thần, không lành lặn như mọi đứa trẻ khác.
Lớn lên trong bệnh tật, cậu bé Thường luôn bị bố đánh đập, hành hạ, ngay cả khi bình thường, người đàn ông vẫn dành cho cậu những trận đòn roi, không cho ăn uống và luôn mặc đói khát.
"Ông ấy đánh con không thương tiếc, khi lên cơn cũng đánh đập nhiều hơn, có khi không cho nó ăn cơm. Tôi đi làm về thì thấy thương con quá. Tài sản trong nhà cũng bị ông ấy mang đi cầm cố, bán hết để ăn tiêu khiến ha mẹ con ngày càng cực khổ", chị Hường kể lại.
Sống được một thời gian, biết không thể chịu nổi cảnh hành hạ này, người đàn bà lam lũ đưa con về nương nhờ bên đằng ngoại. Dưới sự giúp đỡ của anh em trong nhà, chị Hường cất được ngôi nhà chật trội trên nền đất của người em. Vào những ngày trời nắng, ngồi trong nhà mà mồ hôi túa ra như tắm, cái nắng của nóng xộc vào từng chân tơ kẽ tóc.
Những ngày mưa, ngôi nhà trở nên ẩm thấp, mùi hôi ám ảnh khắp nơi nhưng dù sao cũng là nơi trú ngụ an toàn nhất cho mẹ con chị Hường.
Tiếng hú xen lẫn tiếng cười man rợ của Thường - con trai chị Hường.
Xây "chuồng" nhốt con
Ra ở riêng đã hơn chục năm cũng là lúc chị Hường phải chật vật hơn, lo toan kiếm từng đồng để chăm sóc đứa con tâm thần đang chờ từng liều thuốc và miếng cơm của người mẹ mang về.
Chị Hường cho biết, trước kia khi bà ngoại chưa mất, chị có thể yên tâm hơn một chút nhưng giờ đây, nhà còn 2 người nên để không phải lo lắng, chị đã xây chiếc "chuồng" bên cạnh để nhốt con.
Mặc dù tâm trí của người làm mẹ không cho phép chị Hường nhưng chỉ còn cách này mới giúp con trai được an toàn hơn. Nếu chỉ ở nhà canh chừng con, hai người sẽ chết đói và không có tiền mua thuốc, chăm sóc đứa con trai đang cần miếng cơm cốc nước mỗi ngày.
"Không nhốt thì phải làm sao đây, nó ra ngoài lỡ không may đụng xe hay gây chuyện, rồi xé hết quần áo, chăn màn, đồ đạc thì mình còn vất vả hơn. Làm cái khóa rồi cho con vào trong đó, trưa đi làm về nấu cho ăn rồi đi làm, tối về tắm rửa. Mãi khi nào đi ngủ mới dám mở lồng và đưa vào. Cho nó nằm ngoài đó lỡ làm sao mình ân hận lắm", chị Hường tâm sự.
Đặc biệt là ngôi nhà của hai mẹ con luôn trong tình trạng mở cổng, không khóa hay chốt lại vì ngoài chiếc tivi cũ được anh em mua cho, căn nhà không có đồ giá trị. Hơn thế nữa, mỗi lần đi làm, chị vẫn để cửa cho mọi người xung quanh đi qua sẽ ghé vào lấy giúp cho con trai cốc nước hay có quà cho ăn.
Khi không tỉnh táo, Thường gặm sắt, cắn tường rồi hú hét...
"Mọi người khi thì có cái bánh, quả ổi hay bất cứ thứ gì đều mang qua cho nó một ít, có hôm ở đám cưới về, mấy bác cũng cầm phần về cho ăn. Nhà có gì giá trị đâu mà khóa, nhỡ khóa mà không may xảy ra việc gì ai giúp con mình. Để như vậy dân làng đi qua khi vào đưa cốc nước, khi trò chuyện với nó cho thoải mái", chị Hường nói lý do.
Mỗi ngày, với việc đi bốc vác làm gạch cách nhà tầm 2km, người đàn bà cực khổ kiếm được khoảng 100.000 đồng để lo cho cuộc sống của gia đình. Ngày nắng cũng như ngày mưa, nếu không muốn chết đói thì phải cật lực làm việc. Chị Hường cũng cho hay, may có anh em trong nhà nên có lần mưa dai dẳng, trong người không còn một đồng nào để mua đồ ăn cho con, các anh chị lại chạy dang dúi vào tay mấy chục nghìn để 2 mẹ con sống qua ngày.
Chuồng sắt - nơi ở hàng ngày và sinh hoạt của đứa con tâm thần.
Mặc dù bị bệnh nhưng nhiều lúc, cậu bé Thường vẫn ý thức được người ra vào và đòi uống thuốc để "hết bệnh thần kinh". Tuy nhiên, sau những giây phút đó là tiếng hú, cười khúc khích hay hành động cắn thanh sắt, chà miệng vào bờ tường... đến rợn người.
Trong cái "chuồng" vài mét vuông vừa là nơi trú ngụ cũng vừa là nơi vệ sinh mỗi khi Thường bị nhốt lại. Sau một ngày bươn trải kiếm tiền, chị Hường lại trở về nhà dọn dẹp, dội nước và tắm rửa cho đứa con trai không lành lặn.
Chị Hường còn chia sẻ, một bên cánh tay của con trai bị co quắp lại, chân cũng không đứng vững nên phải vịn hoặc có người giúp tựa vào, một phần bị từ bé, phần còn lại do một lần chạy ra ngoài, Thường va phải xe chở đồ nên phải nhập viện khiến một bên bị đau.
"Hôm đó không hiểu sao nó đi ra ngoài đường rồi bị chiếc xe chở hàng va vào, họ cũng bỏ trốn may được mọi người thấy nên đưa đi viện. Đang đi làm nghe tin con nhập viện mà tôi phải chạy về luôn. Gãy xương cô ạ, họ có nói bồi thường nhưng sau đó chỉ đưa 1 triệu, rồi không thấy tăm hơi đâu nữa. Bây giờ nhốt nó lại chứ đi làm lỡ nó ra ngoài mà đụng xe thì cám cảnh lắm", chị Hường tâm sự.
Dù có người mách nước cho con vào trại tâm thần hoặc những nơi như trại trẻ mồ côi nhưng người phụ nữ này nhất quyết không thực hiện. Chị muốn con được sống bên cạnh mẹ, được chăm sóc dù có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa.
"Nó chết trước thì không sao, nhưng tôi có lỡ chết trước thì..."
Nuôi đứa con bình thường đã vất vả, đằng này lại một thân một mình nuôi con tâm thần khiến người mẹ nghèo ngày đêm suy nghĩ đến tương lai mù mịt phía trước.
Nhiều đêm suy nghĩ, chị Hường chỉ mong sao mình khỏe mạnh để có thể lo cho con, kiếm thêm chút tiền rồi tích lũy để sau này có lỡ... chết trước con, vẫn có thể nhờ anh em, hàng xóm sang chăm sóc tận tình.
Không biết nghe ai nói nhưng Thường đòi mẹ cho uống thuốc để hết bệnh... thần kinh.
"Suy nghĩ nhiều lắm cô ạ, bây giờ đằng nội kia không gặp gỡ, hai mẹ con chỉ trông chờ vào bên ngoại. Đôi khi ôm con mà toàn nghĩ quẩn, nếu con chết trước mẹ thì không sao nhưng lỡ tôi mà chết trước nó thì phải làm sao đây? Nhờ anh em, họ hàng cũng được nhưng vất vả lắm, con mình không được bình thường, nghĩ mà lo", chị Hường rưng rưng.
Trước mắt, cuộc sống của hai người đều trông chờ vào đồng tiền hỗ trợ của cháu Thường và những ngày đi bốc vác, làm gạch của chị Hường. Dù có lúc nhịn đói đi làm nhưng người mẹ này luôn cố gắng để đứa con tâm thần của mình có cuộc sống tốt hơn.
Chia sẻ về mong muốn, người đàn bà này cho biết, bản thân chỉ mong có một khoản tiền nho nhỏ để tích cóp cho con trai, đề phòng không may chị kiệt sức hoặc nhắm mắt xuôi tay, vẫn có người giúp đỡ con trai chị đến nơi đến chốn.
Clip người mẹ nghèo chăm lo cho đứa con tâm thần.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Chị Đỗ Thị Hường, thôn Thượng Cốc, xã Thượng Cốc, Phúc Thọ, Hà Nội. Số điện thoại: 01633716615
Hoặc: Tòa soạn báo Đời sống Plus, số 35, ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội.