Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:01
RSS

Kiến nghị điều tra vụ máy bay rơi tại vịnh Hạ Long ở mức cao nhất

Thứ bảy, 08/04/2023, 10:31 (GMT+7)

Ngày 7/4, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ tiến hành công tác điều tra vụ máy bay trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long với sự tham gia của các bộ, ban ngành liên quan và quốc gia thiết kế, quốc gia chế tạo, nhà sản xuất máy bay, sản xuất động cơ máy bay.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Minh Tấn - phó cục trưởng Cục Hàng không cho biết tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1 và phương hướng nhiệm vụ trong quý 2 năm 2023 chiều 6/4, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng thành lập ủy ban điều tra tai nạn máy bay trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long.

Điều tra vụ máy bay trực thăng rơi theo tai nạn ở mức cao nhất

Phần đuôi trực thăng Bell 505 số đăng ký VN-8650 bị tai nạn được vớt lên trong ngày 6-4 - Ảnh: NAM TRẦN

Báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin, ngày 7/4, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ tiến hành công tác điều tra tai nạn trực thăng Bell 505 rơi tại vùng biển Quảng Ninh theo quy định đối với tai nạn hàng không mức A - mức cao nhất, do có thiệt hại về người và máy bay.

Cục HKVN cũng cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn, nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đến Cục HKVN đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn.

Theo Cục HKVN, chiếc máy bay Bell 505 có số đăng ký VN-8650 trong vụ tai nạn là 1 trong 2 chiếc máy bay cùng loại do Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đang khai thác. Chiếc máy bay này có tổng số giờ bay tính đến lúc rơi là 488 giờ, 2.655 lần cất/hạ cánh an toàn.

Điều tra vụ máy bay trực thăng rơi theo tai nạn ở mức cao nhất

Các mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở khu vực máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 bị nạn chiều tối ngày 5/4. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Phi công lái trực thăng gặp nạn có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, điều kiện thời tiết hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt với tầm nhìn đạt 6-8km.

Theo ông Hồ Minh Tấn, do trực thăng Bell-505 có tải trọng nhỏ hơn 5.700kg nên không thuộc quy định phải mang thiết bị tự ghi tham số bay và tự ghi âm buồng lái. Tuy nhiên, trực thăng này được trang bị hệ thống ghi hình ảnh trên không Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái, có khả năng chống va đập. 

Đây là thiết bị giám sát dữ liệu chuyến bay có khả năng hỗ trợ công tác điều tra về nguyên nhân xảy ra tai nạn.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/4, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) đã tạm dừng các dịch vụ bay ngắm cảnh bằng trực thăng sau vụ tai nạn rơi máy bay tại Vịnh Hạ Long chiều qua (5/4).

Theo ông Thắng, ngoài việc dừng tour ngắm vịnh Hạ Long, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam cũng tạm dừng các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo chờ thông báo mới.

"Cục tuyên huấn Bộ Quốc phòng sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về sự việc", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin trên Báo Dân trí hay.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc do Đại tá Chu Quang Minh (SN 1964) điều khiển, chở 4 khách du lịch Việt Nam bao gồm: Ông Hồ Tá Lực (SN 1964), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Hội (SN 1963), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Hồ Thị Oanh (SN 1962), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Phạm Thị Bê (SN 1958), trú tại TP Đà Nẵng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, cất cánh lúc 16h56, mất liên lạc lúc 17h15.

Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18) phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.

Đến khoảng 19h18, lực lượng tại hiện trường vớt được 2 thi thể (1 nam, 1 nữ) cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay tại vị trí mép bờ, tọa độ 20 độ 51 phút 51,2 giây độ vĩ bắc - 107 độ 01 phút 13,4 độ kinh đông.

Vào sáng 6/4, nạn nhân thứ thứ ba trong vụ việc được lực lượng chức năng tìm thấy. Đây được xác định là Đại tá Chu Quang Minh – phi công điều khiển máy bay. Cũng trong sáng cùng ngày, thi thể nạn nhân thứ 4 được tìm thấy khi tiến hành trục vớt mảnh vỡ và động cơ máy bay. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân cuối cùng còn mất tích.

Báo tuổi trẻ thông tin Khoảng 9h30 ngày 7/4, thông tin từ hiện trường tìm kiếm cứu nạn vụ trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 cho biết đã tìm thấy một phần thi thể của nạn nhân thứ 5 là bà Nguyễn Thị Hội (60 tuổi, vợ của nạn nhân Hồ Tá Lực)

Thông tin với Báo VietNamNet, lãnh đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải Việt Nam cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng gặp nạn. Thiết bị này sẽ được chuyển về đất liền cùng với các bộ phận khác của trực thăng để phục vụ công tác điều tra.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại