Những nốt mụn thuỷ đậu đa kích thước ở chân, lưng bệnh nhi.
Bệnh nhi là cháu T. H. M (12 tuổi, ở Bắc Quang – Hà Giang) nhập viện vào khoa Nội Nhi Đông y - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau bụng âm ỉ, đau ngực từng cơn, da toàn thân rất nhiều mụn mủ đa kích thước chảy dịch lẫn máu, đau và ngứa rất nhiều.
Bà nội bệnh nhi cho biết: Cháu đã điều trị bệnh thủy đậu 07 ngày tại bệnh viện tuyến huyện, gia đình thấy đỡ và hoàn cảnh neo người nên đã xin ra viện về nhà.
Nhưng sau khi về nhà cháu sốt li bì, cao nhất 40 độ, ăn uống kém kèm theo mụn nước nổi nhiều chảy mủ và máu, gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám và điều trị.
Mụn chảy dịch và máu ở cẳng tay bệnh nhi.
Qua các cận lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng. Khai thác thêm thông tin từ phía gia đình, bệnh nhi chưa được tiêm phòng vắc xin thủy đậu.
Bác sỹ Phùng Thị Xuân người điều trị trực tiếp cho bệnh nhi cho biết, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi khi nhập viện rất nặng, sốt cao khoảng 40 độ, nhiều mụn mủ toàn thân chảy dịch lẫn máu, nhiều nhất vùng đầu và chân.
Sau khi hội chẩn toàn khoa đã thống nhất điều trị cho bệnh nhi bằng phác đồ kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết và thủy đậu bội nhiễm. Sau ba ngày điều trị tích cực hiện tại bệnh nhi đã hết sốt và sức khỏe tiến triển tốt, ăn uống tốt và có thể đi lại vui chơi.
BS Xuân chia sẻ, trường hợp của bệnh nhi M. diễn biến bệnh phức tạp là do điều trị không dứt điểm. Bác sỹ cảnh báo tới cha mẹ, khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đến bệnh viện điều trị ngay và thực hiện theo đúng lời khuyên và phác dồ điều trị của bác sỹ.
Ngoài ra bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắc xin đầy đủ, cha mẹ nên tiêm phòng vắc xin cho trẻ theo lịch của bộ y tế.
Xem thêm Clip: Mẹo hạ sốt cho trẻ nhanh và hiệu quả ngay tại nhà đúng khoa học