Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:25
RSS

'Không có lý do gì để không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm'

Thứ năm, 18/04/2019, 13:49 (GMT+7)

Các luật gia đã đưa ra những cái nhìn khác nhau về vấn đề đang được dư luận quan tâm đó là “nên hay không nên công khai danh tính các thí sinh được nâng điểm” trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Quan điểm trái chiều về việc công khai tên thí sinh được nâng điểmCơ quan chức năng làm việc sau sai phạm điểm thi ở Sở GD-ĐT Hòa Bình hồi tháng 8/2018. Ảnh: Người Lao Động

Nên hay không nên tên thí sinh được nâng điểm?

Gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua tại một số tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang đang nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận. Mới đây, trên một số tờ báo điện tử, trang mạng xã hội đã đăng tải danh tính cụ thể 17 thí sinh ở Hoà Bình bị Học viện CSND trả về địa phương do nghi vấn có gian lận về điểm thi (điểm chấm thẩm định thấp hơn nhiều so với điểm chấm ban đầu).

Trước sự việc trên, dư luận đặt ra các ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên công bố danh tính các thí sinh có nghi vấn có gian lận về điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Trao đổi với PV Đời sống Plus về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần phải làm rõ danh tính các phụ huynh đã tác động để sửa điểm, nâng điểm đồng thời cũng làm rõ trách nhiệm của từng thí sinh.

Trong trường hợp những thí sinh đó xúi giục hoặc giúp sức cha mẹ, người thân tác động để sửa điểm thì các em này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, nếu khởi tố hình sự thì phải là đồng phạm trong vụ án đó.

“Trước sự nghi ngờ của cả cộng đồng và để thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin và xử lý vụ việc một cách công bằng, đúng pháp luật thì không có lý do gì để không công khai danh tính những đối tượng được sửa điểm và những đối tượng đã tác động để sửa điểm”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho rằng nên đồng thời, phải xem xét trách nhiệm pháp lý của những đối tượng này theo quy định pháp luật và công khai để nhân dân được biết, giám sát hoạt động tư pháp.

Nếu chứng minh được những người đó có tác động vật chất để sửa điểm thì phải khởi tố những người này vì tội đưa hối lộ, đồng thời những người nhận được lợi ích vật chất kể cả là hứa hẹn thăng chức, tăng lương, hoặc các lợi ích vật chất khác thì đều là nhận hối lộ.

“Còn khi cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh thì không thể xử lý họ được. Nói cách khác, nếu họ không tác động mà tự bị sửa điểm của con thì họ vô can”, ông Cường nói.

Trong khi đó, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn Phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lại cho rằng không cần thiết phải công khai danh tính các thí sinh có nghi vấn có gian lận về điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Luật sư Thanh phân tích, tại khoản 2 Điều 88 Luật giáo dục 2005 quy định các hành vi mà người học không được làm, trong đó có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Nếu người học thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi hành chính theo khoản 3 Điều 13 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Các hành vi bị xử phạt là mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; Làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Thi thay hoặc thi kèm người khác... Tuy nhiên riêng với hành vi gian lận "Sửa điểm bài thi trái quy định", người học sẽ không bị xử phạt vì việc sửa điểm bài thi không thuộc thẩm quyền của người học.

Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 13 Nghị định số 138 nêu trên, các bên phải "Khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi", tức là phải trả lại điểm số gốc trước khi sửa điểm. Như vậy khi trả lại điểm số gốc mà điểm số của các thí sinh không đủ để trúng tuyển vào trường, đương nhiên họ sẽ bị buộc phải thôi học.

“Trên thực tế không phải thí sinh nào cũng biết rằng cha mẹ mình hoặc người khác có tác động để điểm số của thí sinh được tăng lên trái quy định. Do đó nếu công khai danh tính của những thí sinh này sẽ là bất công đối với họ”, Luật sư Thanh nêu quan điểm.

Quan điểm trái chiều về việc công khai tên thí sinh được nâng điểmCác thi sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đều là con của các quan chức, những người có tiềm lực kinh tế. Ảnh: Tuổi Trẻ

Mới khởi tố tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn..." là chưa đủ

Cũng liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường cũng nêu quan điểm về việc cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố các đối tượng nâng điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La về một tội danh là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 mà chưa làm rõ được động cơ, mục đích nâng điểm và những quyền lợi mà những đối tượng này có được khi thực hiện hành vi nâng điểm cho một loạt thí sinh ở nhiều địa phương như vậy.

“Nếu các đối tượng trên nâng điểm vì thành tích của trường, của địa phương mà không vì lợi ích cá nhân thì phải có chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục... Cách thức và kết quả nâng điểm cũng sẽ khác với những trường hợp ở các tỉnh này, và nếu như vậy thì phải xử lý tất cả những người có liên quan.

Còn nếu nâng điểm cho một số em như vậy thì cũng cần làm rõ những thí sinh đó là con em của các gia đình nào? Có phải là con em nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số hay là con em của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhà quan chức?”, Luật sư Cường cho biết.

Luật sư Cường cũng cho rằng, đối với việc đối tượng được nhận hơn 500 triệu đồng để nâng điểm, trường hợp này có căn cứ để khởi tố về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Khi đó, những phụ huynh, người thân của các học sinh này là những người đưa tiền, lợi ích vật chất để các đối tượng đó sửa điểm cũng phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định trên. Tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Cần xem xét có hành vi đưa hối lộ hay không? Chẳng hạn nhận sửa điểm để cầu lợi… từ một ai đó thì cũng là tội nhận hối lộ, không chỉ là vật chất nhìn thấy được. Muốn vậy, phải xác định nhân thân đối tượng được nâng điểm, như thế mới có cơ sở để nhận xét, phán đoán nâng điểm vì thành tích chung hay vì lợi ích cá nhân. Phải làm rõ động cơ mục đích để xác định cho đúng tội danh”.

Còn nếu kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã sửa điểm cho các thí sinh từ một điểm số rất thấp đến một kết quả từ 28 điểm trở lên và các thí sinh phần lớn đều đăng ký vào các trường thuộc lực lượng vũ trang như công an, quân đội, thì theo Luật sư Cường, như vậy là có dấu hiệu của hành vi chạy trường, chạy điểm chứ không phải là nâng điểm để cho thành tích của nhà trường.

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN