Đại gia Trầm Bê sinh ngày 10/9/1959 tại Trà Vinh, là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Triều An.
Ngoài ra, ông còn cùng với gia đình tham gia Hội đồng Quản trị của một số công ty như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Khởi tố tạm giam đại gia Trầm Bê. Nguồn: VTC1
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004. Đây cũng là lúc ông đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và là thành viên HĐQT.
Giai đoạn này cũng có thể xem là thời kì "hoàng Kim" của Ngân hàng Phương Nam khi mức lợi nhuận đạt mức trăm tỷ đồng/năm. Tới năm 2007, SouthernBank đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng.
Vào thời điểm này ông Trầm Bê nhanh chóng gia tăng quyền lực của mình tại ngân hàng này bằng cách cho các con nắm giữ những vị trí lãnh đạo và thâu tóm phần lớn cổ phần.
Sau khi xây dựng quyền lực tại SouthernBank, ông Trầm Bê lên kế hoạch thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).
Bằng cách trở thành cổ đông của Sacombank, ông được bầu làm Phó chủ tịch thường trực trong cuộc "thay máu" của nhà băng này diễn ra tháng 2/2012.
Con trai ông là Trầm Khải Hòa cũng trở thành hành viên HĐQT Sacombank từ tháng 5/2012. Tại SouthernBank, con trai Trầm Trọng Ngân cũng lên giữ chức Phó chủ tịch thường trực thay cho vị trí ông Trầm Bê để lại.
Không lâu sau, hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng. SouthernBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc tái cơ cấu.
Với tầm ảnh hưởng của mình tại SouthernBank và Sacombank, ông Trầm Bê được cho là người đứng sau thương vụ sáp nhập ồn ào nhất hệ thống ngân hàng lúc bấy giờ giữa hai nhà băng này vào tháng 8/2015.
Cuối tháng 2 vừa qua, dù đã bị Sacombank và NHNN thông báo chấm dứt toàn bộ hoạt động quản trị tại ngân hàng, trên thực tế ông Trầm Bê vẫn là người đứng tên lượng lớn cổ phiếu tại Sacombank.
Tổng tài sản nắm giữ trực tiếp của ông vào khoảng 430 tỷ đồng tới từ hơn 27,65 triệu cổ phiếu STB, và cổ phần tại BCCI. Tuy nhiên, ước tính tổng tài sản thực tế của ông có thể lên tới 2.000 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp liên quan tới ông Trầm Bê. Ảnh: Vietnamnet
Không chỉ là Thành viên HĐQT của Bệnh viện Triều An, ông Trầm Bê còn đang đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam cùng với nhiều công ty với số vốn hàng trăm tỷ đồng như Công ty Hàm Giang, Sơn Sơn, BCCI…
Theo báo cáo quản trị của Sacombank, tính đến cuối năm 2016, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179 triệu cổ phiếu tại nhà băng này, tương đương tỷ lệ 9,49%. Trong đó, riêng ông Trầm Bê sở hữu 27,6 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 1,467%.
Ông Trầm Trọng Ngân nắm giữ hơn 89,18 triệu cổ phần, chiếm 4,73% vốn, con trai Trầm Khải Hòa sở hữu 33,35 triệu cổ phần, tương đương 1,8% vốn và con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 27 triệu cổ phần, tương đương 1,43%. Chồng bà Kiều là ông Lê Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Sacombank, cũng đang nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 0,11%.
Không chỉ thế, tại Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Chánh, cổ phiếu BCI của vị đại gia này ở mức 2,657 triệu tương đương với 3,06 vốn điều lệ. Và nếu tính theo thị giá hiện tại thì giá trị cổ phiếu BCI mà ông Trầm Bê đang nắm giữ lên tới 77,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tất cả tài sản của siêu đại gia Trầm Bê. Trước đó, ông đã công đức số tiền hàng trăm tỷ để xây dựng những ngôi chùa kiến trúc độc đáo với vẻ ngoài lóng lánh như dát vàng. Kỹ sư xây dựng Thạch Cao Minh, người thiết kế xây dựng 9 ngôi chùa cho đại gia Trầm Bê tiết lộ, số tiền đại gia Trầm Bê bỏ ra để xây dựng 9 ngôi chùa khoảng hơn trăm tỷ đồng. Trong đó, chùa Vàm Ray là ngôi chùa rộng lớn nhất với số tiền 50 tỷ đồng.
Hồi cuối năm 2012, người thân của ông Trầm Bê phát hiện sừng tê giác được cất giữ nơi thờ cúng gia tộc trọng lượng gần 4 kg (trị giá hơn 4 tỷ đồng) đã bị mất. Đây cũng là thời điểm người ta biết tới vị đại gia ẩn mình ở tỉnh Trà Vinh này.
Chiếc sừng tê giác trị giá 4 tỷ đồng trước khi mất nhà ông Trầm Bê. Ảnh: Dân trí
Chưa hết, vị đại gia này còn sở hữu căn biêt thự với diện tích 30ha tại Trà Vinh. Trong khuôn viên có rất nhiều cây cảnh, đặc biệt có hơn 1.000 cây tùng các loại được nhập từ Nhật Bản về, với nhiều cây có giá đến gần triệu đô. Bên trong tòa dinh thự này được trang trí bằng những món đồ xa hoa, có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới Chỉ riêng chiếc đèn chùm có đường kính rộng gần 10m được làm từ châu Âu, các thanh giằng dát vàng được đặt tại gian chính của tòa nhà đã có giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Bên trong nhà còn có mộ bộ xương voi ma mút cao hơn một tầng nhà. Ảnh: Dân việt
Cùng chiếc đèn chùm có giá trị hàng tỷ đồng được dùng làm vật trang trí. Ảnh: Vietnamnet
Tuy nhiên, đây liệu có phải đã là tất cả số tài sản của ông Trầm Bê trong khi ông được nhiều người biết tới với cái danh "đại gia kín tiếng"?