Hối hận vì bán nhà mua chung cư
Giữa mùa hè oi bức nhưng cư dân sống trong chung cư HUD 3 Linh Đàm, Hà Nội lại phải sống trong cảnh mất nước sinh hoạt, tình trạng này kéo dài khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Gia đình ông Nguyễn Minh Vũ cho biết, mấy ngày nay ông vừa trông cháu vừa phải bê xô, chậu xuống tận tầng 1 để hứng nước. Ông Vũ cũng cho biết bản thân hối hận vì trót nghe con bán nhà mua chung cư ở.
"Tôi đang ở mặt đất cái gì cũng tiện, nghe ông con trai, bán nhà lên chung cư ở. Văn minh hiện đại chưa thấy đâu mà cứ thỉnh thoảng lại mất nước bất ngờ. Hai ông bà già cứ còng lưng đi lấy nước chẳng khác nào thời bao cấp. Nếu không vì gần con cháu thì tôi đã không mua về đây", ông Vũ bày tỏ bức xúc.
Ngôi nhà mặt đất ông Vũ bán được hơn 2 tỉ, sau khi mua căn hộ này 1,5 tỉ đồng, ông còn dư 500 triệu cho con trai mua thêm trả góp một căn hộ khác cũng cùng toà nhà. Ông Vũ cho biết, từ khi dọn về ở chung cư, ông gặp phải nhiều vấn đề. Theo ông, chính sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư khiến người dân rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Được biết, tòa nhà HUD3 chỉ mới đi vào vận hành được hơn 1 năm nhưng tình trạng mất nước diễn ra thường xuyên. Hơn nữa, thời gian mất nước ngày càng dài ảnh hưởng tới sinh hoạt của cư dân nơi này.
Điều đáng nói ở đây là tình trạng này không phải chỉ diễn ra ở một tòa nhà mà còn có ở tòa Bắc, Trung và Nam Rice City do Công ty CP Bic Việt Nam làm chủ đầu tư khiến hàng nghìn cư dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Cũng bởi tình trạng này kéo dài nên hàng trăm người ở chung cư VP3 (Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đội nắng nóng, đồng loạt giăng băng-rôn với khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trao lại quyền quản trị cho cư dân, xử lý tình trạng mất nước, thiếu nước sạch triền miên suốt thời gian qua.
Còn nhớ tháng 5-6/2014, trong những ngày Hà Nội nắng nóng cực điểm, chung cư mất nước toàn diện... đó chính là "nỗi thống khổ" mà hàng nghìn hộ dân tại KĐT Đại Thanh phải hứng chịu. Cao điểm trong giai đoạn này, có tới khoảng 4.000 hộ dân/12.000 hộ tại KĐT Đại Thanh sống trong cảnh mỏi mòn chờ nước sinh hoạt gần 1 tháng liền. Khi đó, nguyên nhân của sự việc này được xác định do lỗi của chủ đàu tư là liên doanh giữa Công ty CP đầu tư Hải Phát và Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu.
Thấp thỏm với khâu phòng cháy
Thiếu nước không phải là tất cả mà cư dân sống tại đây còn "đứng ngồi không yên" vì chủ đầu tư "vô tình" quên phòng cháy chữa cháy.mặc dù sau khi bàn giao nhà xong, khách hàng có gửi đơn khiếu nại và cơ quan quản lý thúc giục nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ hoàn thiện các tiện ích của dự án, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy, khiến cư dân phải sống trong lo lắng, hoang mang.
Thiệt hại lớn về tài sản nhưng chỉ là chuyện thứ yếu. Điều quan trọng nhất là nguy cơ đe dọa tính mạng khiến nhiều cư dân chung cư nơi đây cân nhắc về việc bán nhà chuyển đi chỗ khác.
Khâu phòng cháy chữa cháy cũng khiến người dân hoang mang. Ảnh minh họa
Hình ảnh hàng chục người phải nhập viện vì bị ngạt khói, hơn 200 xe máy, 45 xe đạp, một ô-tô đắt tiền đã bị lửa thiêu rụi, hầu hết diện tích và đồ dùng đều bị khói, bụi ám đen ở hầm CT4A chung cư Xa La vẫn còn khiến nhiều cư dân rùng.
Nghiêm trọng hơn, công an Hà Nội đã công bố danh sách 38 dự án trên địa bàn Thành phố chưa nghiệm thu PCCC, trong đó Chung cư 27 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng là dự án chủ quan với "bà hỏa" nhất khi đã vận hành sử dụng 7 năm, nhưng chưa hoàn thành hệ thống PCCC.
Đặc biệt, trong danh sách này, chủ đầu tư có nhiều dự án chưa hoàn thiện hệ thống PCCC nhất là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên với 15 dự án, đặc biệt hầu hết là các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng với mật độ cư dân dày đặc tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), Kim Văn Kim Lũ (quận Hoàng Mai), Linh Đàm (quận Hoàng Mai)...
Cháy chung cư ở khu Linh Đàm, Hà Nội. Nguồn: VTC14