Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:35
RSS

PVC từ doanh nghiệp có lãi thành "con nợ" nghìn tỷ dưới tay ông Trịnh Xuân Thanh thế nào?

Thứ ba, 01/08/2017, 09:45 (GMT+7)

Từ một doanh nghiệp làm ăn có lãi, dưới bàn tay "nhào nặn" của ông Trịnh Xuân Thanh PVC trở thành "con nợ" lỗ 3.300 tỷ đồng.

Bộ Công an cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra sau 10 tháng trốn ra nước ngoài.  Trước đó, ông Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC từ một doanh nghiệp làm ăn có lãi trở thành "con nợ nghìn tỷ" của các ngân hàng. Từ 2012 khi ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn "yên vị" ở ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị, việc kinh doanh của PVC bắt đầu sa sút. Cũng trong năm 2012, nguồn việc làm mới cho người lao động không có khiến doanh thu của doanh nghiệp này giảm nghiêm trọng.

Không chỉ thế, việc ngừng mọt số dự án trọng điểm, giãn tiến độ và đặc biệt là hàng loạt công ty con, công ty liên kết mà PVC đã rót vốn đồng loạt làm ăn thua lỗ trong năm này, đã khiến PVC lỗ gần 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 và tăng lên gấp đôi một năm sau đó. Tổng cộng khoản tiền lỗ của PVC gần 3.300 tỷ đồng.

ông Trịnh Xuân Thanh

Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: VnExpress

Do thua lỗ lớn nên tỷ suất lợi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVC trong năm 2013 âm tới 150,09%, chính điều này đã khiến PVC rơi vào vòng xoáy mất cân đối dòng tiền.

Không chỉ khiến PVC suy sụp, dưới "bàn tay nhào nặn" của ông Thanh và thuộc cấp, PVC sử dụng hơn 86% vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ, bê bối mà điển hình là Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC – ME).

PVC - ME được PVC thành lập năm 2009 với 102 tỷ đồng vốn rót từ công ty mẹ - PVC. Một năm sau đó, PVC tiếp tục đổ thêm 200 tỷ đồng vốn vào doanh nghiệp này. Do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình, sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối.

Theo kết luận của các cơ quan thanh tra Chính phủ, PVC - ME mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và phải gánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng chỉ sau 3 năm thành lập. Trong đó, doanh nghiệp này cũng thành lập "quỹ đen trăm tỷ" để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi đối ngoại. Đơn cử, ngày 7/7/2011, bộ phận văn phòng đã rút 350 triệu đồng để mua... bộ đồ đánh golf cho “sếp”. Ngày 15/8/2011, có 4 khoản tiền trị giá 750 triệu đồng được rút 4 lần từ quỹ. Khoản tiền này sau đó được giải trình là đã sử dụng gần 550 triệu đồng để chi cho việc “sinh nhật bố sếp Thanh ở tổng công ty”.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty  Xây lắp Dầu khí (PVC) - thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.

doanh nghiệp PVC

Dưới bàn tay của ông Thanh, doanh nghiệp PVC thu lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Ảnh: pháp luật Plus

Dự án Phú Thọ có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng và giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm 14,3 triệu USD. Trong số 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí, duy nhất Ethanol Phú Thọ là dự án khởi công sớm nhất nhưng đến giờ vẫn chưa được hoàn thành. Dự án dừng thi công các hạng mục từ cuối 2011, và cho tới hiện tại dự án này vẫn "án binh bất động". Ethanol Phú Thọ phải trả 826 tỷ đồng cho tới ngày 31/12/2016.

Tình trạng dự án này tồi tệ đến nỗi, Thanh tra Chính phủ phải đưa ra nhận định: "Đến tháng 9.2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện".

Theo cơ quan quản lý, với các dự án thua lỗ nghìn tỷ, Bộ công thương có đề xuất tới 4 phương án để xử lý dự án nhiên liệu sinh học đắp chiếu, gồm: Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu PVC; thanh lý với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác. Một phương án xử lý khác được nhà chức trách tính đến là cho phá sản công ty, hoặc chuyển nhượng, thoái vốn. 

Một dự án nữa của ngành dầu khí có “bóng dáng” của ông Trịnh Xuân Thanh và tới nay vẫn nằm trong số dự án ì ạch, chưa thể hoàn thành sau 5 năm đầu tư là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVienam và PVC được giao làm nhà thầu và liên doanh với một số nhà thầu khác tại dự án. Đây là dự án có công suất thiết kết 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). 5 năm sau dự án mới hoàn thành 79,4% kế hoạch. Đa số nhà thầu không chủ động được nguồn lực để thi công hoặc thi công cầm chừng, như nhà thầu PVC – PT, PVC – MS… Công tác mua sắm vật tư thiết bị của tổng thầu PVC chậm, không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt hoặc đã ký hợp đồng nhưng do chưa thanh toán nên nhà cung cấp từ chối giao hàng.

Việc một số cán bộ chủ chốt tại PVC bị khởi tố, điều tra đã phần nào ảnh hưởng tới việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị... Bản thân PVC sau một thời gian vật lộn cùng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng công ty này kiến nghị tập đoàn mẹ - PetroVietnam lập tổ công tác, hỗ trợ xử lý khó khăn, tồn đọng.

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN