Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:46
RSS

Khẩn trương ứng phó với siêu bão MANGKHUT đang đi vào Biển Đông

Thứ bảy, 15/09/2018, 06:55 (GMT+7)

Sêu bão MANGKHUT đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trưa và chiều nay sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông.

Siêu bão  MANGKHUT có sức mạnh khủng khiếp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, hồi 4 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Khoảng trưa và chiều nay siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Đến 04 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách đảo bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 610km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17; phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đến 4 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, riêng tỉnh Quảng Ninh cấp 4.

Cảnh báo: Từ ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm.

Theo tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Quốc phòng đã có công điện gửi các quân khu, bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng phó với siêu bão.

Đến nay các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân dự bị đã được giao nhiệm vụ ứng trực với gần 400.000 quân và gần 3.000 phương tiện, trong đó 44 tàu trên biển và 8 máy bay.

Theo dự báo Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Mangkhut. Đây là cơn bão rất mạnh, có đường đi ổn định và tốc độ di chuyển nhanh. Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu 14 huyện, thị xã, thành phố khẩn trương có các biện pháp chủ động ứng phó với bão Mangkhut, sẵn sàng kêu gọi tàu bè, di dời dân ở khu vực ven biển và nới có nguy cơ sạt lở cao. Tại một số địa bàn trọng điểm có đê xung yếu như thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên cần có các phương án đảm bảo an toàn cho mùa màng và di dân khi cần thiết.

Hơn 300 du khách du lịch trong đó có hai khách nước ngoài tình nguyện ở lại đảo Cô tô, huyện cũng đã đề nghị các chủ nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và có phương án đảm bảo tuyệt đối cho du khách lưu trú trên đảo. Một số địa phương ven biển như thành phố Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn đã bắt đầu thông báo và kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN