Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:21
RSS

Kết luận phiên toà vụ tranh chấp tại dự án 79 triệu USD The Mark

Chủ nhật, 28/10/2018, 10:42 (GMT+7)

Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp thương mại đã đồng ý với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Cổ phần phát triển kinh doanh nhà Việt Nam – Hàn Quốc.

Phiên toà vụ tranh chấp tại dự án 79 triệu USD The Mark

Ngày 18 và ngày 25/10/2018, TAND TP. HCM đã công khai xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án trong hợp đồng liên doanh giữa các đương sự.

Nguyên đơn là Công ty cổ phần kinh doanh Phát triển nhà, bị đơn Công ty DWS, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Công ty phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc, Sở KHĐT TP. HCM, Phòng đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT TP. HCM. HĐXX gồm thẩm phán, chủ toạ phiên toà Đỗ Khắc Tuấn cùng với đại diện VKS, Hội thẩm nhân dân…

Đối tác phá sản

Theo nội dung vụ án được Chủ toạ Đỗ Khắc Tuấn công bố tại toà, thì ngày 10/3/2007, Công ty TNHH MTV Phát triển kinh doanh nhà, nay là Công ty cổ phần phát triển kinh doanh nhà (HDTC) và hai công ty nước ngoài là công ty P&D, Công ty LVC ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty quy hoạch và phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc (VK-Housing) thực hiện dự án khu nhà thương mại và chung cư The Mark quận 7 trên khu đất thuộc quyền sử dụng của HDTC với diện tích 29.310m2.

Ngày 30/8/2007, HDTC, P&D và LVC được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 44110, cấp giấy chứng nhận đầu tư việc ba công ty này được thành lập công ty VK- Houssing, với người đại diện pháp luật là ông JONG-SUK, LE làm Tổng giám đốc để thực hiện dự án.

Theo chứng nhận đầu tư thì các bên phải thực hiện việc đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và bắt đầu thi công từ tháng 5/2008 đến năm 2010 phải hoàn thành. Nhưng thực tế đến tháng 6/2016, dự án chưa thực hiện được đồng thời phát sinh một số vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến việc liên doanh.

Cụ thể, ngày 22/7/2015, P&D và LVC đã bị Toà án Hàn Quốc tuyên bố phá sản, căn cứ quyết định tuyên bố phá sản của Toà án Hàn Quốc, ngày 16/3/2016, Quản tài viên được Toà án Hàn Quốc được chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC trong liên doanh VK-Housing cho côg ty DWS.

Căn cứ vào các hợp đồng chuyển nhượng trên, ngày 23/3/2016, DWS đã liên hệ với VK-Houssing để làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn. Ngày 26/4/2016, VK-Houssing nộp hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể đổi thành viên công ty từ HDTC - P&D và LVC thành HDTC – DWS. Đổi đại diện pháp luật từ ông JONG-SUK, LE sang bà Yeh Kuo, Shun – Kuai. Ngày 21/4/2016, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 cho VK-Houssing theo nội dung đã đăng ký.

Ngày 29/4/2016, Sở KH&ĐT Tp. HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay cho Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chứng nhận về chủ đầu tư khu nhà ở cao tầng The Mark là HDTC và DWS.

Cho rằng việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa P&D và LVC sang DWS vi phạm thoả thuận hợp đồng liên doanh (quy định tại các Điều 43, 44, Khoản 3 Luật Doanh nghiệp 2005) về quyền ưu tiên mua vốn góp của HDTC, ngoài ra theo thoả thuận tại các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 26/3/2016 thì các hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi được Toà án Hàn Quốc chấp nhận và Toà án Việt Nam công nhận (mặc dù các hợp đồng góp vốn nói trên chưa được Toà án Hàn Quốc và Toà án Việt Nam chấp nhận).

Nhưng DWS đã giả mạo hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên HDTC đã tố cáo đến cơ quan công an về việc giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt tài sản, khiếu nại yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh huỷ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần hai cho VK- Houssing.

Đồng thời, HDTC khởi kiện lên TAND TP.HCM yêu cầu không công nhận hiệu lực các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/216, huỷ Giấy Chứng nhận đầu tư số 162330629 và Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần hai của VK-Houssing.

Ngày 4/5/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C45) – Bộ Công an có văn bản số 334 thông báo đến Sở KH&ĐT Tp.HCM kết luận có sự giả mạo hồ sơ để thay đổi đăng ký điều chỉnh nội dung kinh doanh và đăng ký đầu tư của VK-Houssing liên quan đến DWS.

Ngày 29/9/2017, Phòng Đăng ký kinh doanh có Quyết định số 790103 thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần hai cho VK-Houssing và khôi phục lại Giấy chứng nhận đầu tư với người đại diện theo pháp luật là ông Jong Suk Lee.

Cho rằng hiện nay thành viên góp vốn của VK-Houssing chỉ có HDTC, còn P&D và LVC đã bị phá sản, trong quá trình điều hành trước đây đại diện theo pháp luật được khôi phục theo Quyết định 790103 là ông Jong Suk Lee có nhiều sai phạm về tài chính từ khi P&D và LVC bị phá sản đã rời khỏi Việt Nam, mặc dù không còn là đại diện hợp pháp của VK-Houssing nhưng bà Yeh Kuo, Shun – Kuai lại nhân danh VK-Houssing thuê Công ty dịch vụ bảo vệ Hoàng Gia dựng hàng rào bảo vệ khu đất, chốt vảo vệ…

Để ngăn ngừa bà Yeh Kou Shun-Kuai  tận dụng khu đất này kêu gọi đầu tư chiếm đoạt vốn, ngày 22/11/2017, HDTC có văn bản đề nghị TAND áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm giao khu đất cho HDTC quản lý để chờ kết quả giải quyết vụ án của Toà án.

Ngày 20/12/2017, TAND Tp. HCM đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 298 quyết định trong thời gian chờ TAND Tp.HCM giải quyết vụ án thì HDTC có trách nhiệm tạm quản lý phần đất dự án.

Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM đã tổ chức thi hành án nhưng công ty dịch vụ bản vệ Hoàng Vương Gia khoá cửa không cho vào khu đất. Ngày 12/1/2018, Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM có văn bản thông báo sự việc cho Toà án và đề nghị  bổ sung quyết định khác dùng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc tổ chức cá nhân có nghĩa vụ phải giao phần đất trên cho HDTC vào quản lý thì Thi hành án mới tổ chức thực hiện được.

Ngày 16/1/2018, HDTC có công văn yêu cầu TAND có quyết định bổ sung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc VK-Houssing, Công ty dịch vụ bảo vệ Hoàng Vương Gia và các tổ chức cá nhân khác ra khỏi khu đất để bàn giao khu đất cho HDTC.

Qua làm việc, Công ty Hoàng Vương Gia có cung cấp hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ đề tên VK-Houssing, đại diện là ông Lin Kuo Wei giám đốc công ty ký với công ty Hoàng Vương Gia ngày 25/12/2017. Thời điểm này bà Yeh Kuo, Shun – Kuai không còn là đại diện pháp luật của VK-Houssing nữa.

Tuy nhiên đối chiếu với quy định tại điều lệ của VK-Houssing thì trong cơ cấu tổ chức điều hành của VK-Houssing thì chỉ có các chức danh Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, không có chức danh giám đốc.

Do vậy, ngày 23/1/2018, TAND Tp.HCM đã có quyết định áp dụng thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Công ty bảo vệ Hoàng Vương Gia, Công ty VK-Housing và các cá nhân, tổ chức liên quan chiếm dụng nếu có tại khu đất nếu có phải ra khỏi khu đất, giao khu đất này cho HDTC tạm quản lý trong thời gian chờ kết quả giải quyết từ Toà án.

Sau khu nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà  Yeh Kuo, Shun – Kuai, nguyên là người đại của VK-Houssing có đơn khiếu nại đến Toà án và đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh phục hồi lại Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh đã bị thu hồi.

Sau khi Toà án có quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời số 30, ông Jong Suk Lee là đại diện theo pháp luật của VK -Houssing đã uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng và khiếu nại quyết định này, Chánh án TAND Tp.HCM đã có quyết định giải quyết không chấp nhận khiếu nại.

Biết được việc bà Yeh Kuo, Shun – Kuai đang yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh phục hồi nội dung đăng ký thay đổi lần hai VK-Housing, HDTC gửi văn bản yêu cầu TAND áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng việc này, và TAND Tp.HCM đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 61 tạm dừng đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký kinh doanh mà VK-Housing đã được khôi phục tại quyết định số 790103.

TAND Tp.HCM đã thực hiện các thủ tục uỷ thác tư pháp để thông qua đó thụ lý vụ án, giao nộp chứng cứ, triệu tập tham gia phiên toà, kiểm tra giao nộp công khai chứng cứ, hoà giải và triệu tập tham dự phiên toà sơ thẩm theo quy định của pháp luật nhưng bị đơn không đến làm việc theo lệnh triệu tập. Nguyên đơn và các đương sự khác cũng không thương lượng được với nhau về giải quyết vụ án.

Triệu tập không đến…

Trình bày về những yêu cầu của nguyên đơn, VK-Housing cho rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ vì việc Quản tài viên Toà án Hàn Quốc cho P&D và LVC bán vốn cho DWS là để bù trừ số tiền P&D và LVC còn nợ DWS  theo yêu cầu của DWS.

Tại biên bản họp HĐTV ngày 23/3/2016, 100% thành viên công ty nhất trí thông qua việc tiếp nhận DWS, không có ai phản đối việc này nên việc chuyển nhượng từ P&D và LVC qua DWS là không vi phạm Khoản 3, Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2014 và điều 10 Điều lệ công ty.

Với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Sở KHĐT cho rằng trên cơ sở Giấy đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho VK-Housing là đúng pháp luật và yêu cầu giải trình của nguyên đơn Sở không có ý kiến gì.

Trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Phòng Đăng ký doanh doanh cho rằng doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đăng ký kinh doanh, că cứ quy định của pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh đã cấp đăng ký thay đổi cho VK-Housing.

Sau khi có văn bản của cơ quan công an xác định hồ sơ đăng ký là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh đã có quyết định thu hồi và khôi phục lại Giấy chứng nhận đầu tư.

Căn cứ lịch xét xử, Toà án đã triệu tập các đương sự dự phiên toà xét xử, do không nhận được văn bản kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu chứng cứ của bị đơn ở nước ngoài, đến ngày Toà án mở phiên toà DWS cũng không có mặt nên Toà án phải hoãn phiên xét xử.

Căn cứ khoản 4, Điều 477 Bộ luật Tố tụng Dân sự ngày 22/3/2018, Toà án đã có văn bản số 1324 yêu cầu Bộ Tư pháp thông báo cho Toà án biết kết quả thực hiện tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn ở nước ngoài.

Căn cứ lịch xét xử, Toà án đã triệu tập các bên liên quan phiên Toà án xét xử lần hai, ngày toà án mở phiên toà là ngày 14/8/2018, Toà án không nhận được văn bản, thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai các tài liệu chứng cứ của bị đơn ở nước ngoài, DWS và VK-Housing cũng không có mặt nên phiên toà tiếp tục bị hoãn.

Ngày 1/8/2018, Bộ Tư pháp có văn bản số 2508 cho biết Bộ Tư pháp đã có Công hàm đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại Hàn Quốc cho biết kết quả việc uỷ thác tư pháp của Việt Nam nhưng đến nay Bộ Tư pháp cũng không nhận được văn bản trả lời.

Theo Điểm C, khoản 5, Điều 477, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, TAND Tp.HCM đã mở phiên toà xét xử vắng mặt bị đơn.

Ngày 1/10/2018, HDTC có văn bản gửi TAND Tp.HCM bổ sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị Toà án cho HDTC được quyền thực hiện các quyền quản lý VK-Housing trong thời gian chưa có người kế thừa thụ hưởng phần vốn góp của P&D và LVC trong thời gian chưa có người kế thừa phần vốn góp nêu trên.

Đồng thời rút lại yêu cầu khởi kiện đề nghị toà án chấm dứt hợp đồng liên doanh giữa HDTC với P&D và LVC ngày 10/3/2007 và yêu cầu khởi kiện đề nghị Toà án của P&D và LVC phải thanh toán cho HDTC một triệu đồng tiền phạt.

Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện HDTC và Sở kHĐT có mặt, đại diện Phòng đăng ký kinh doanh có yêu cầu Toà án xét xử vắng mặt. DWS và VK-Housing vẫn không có mặt.

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đã nêu tại văn bản ngày 11/10 đồng thời tiếp tục khẳng định các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 là giao dịch trái luật, vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp, Hợp đồng liên doanh và điều lệ của VK-Housing về điều kiện chuyển nhượng vốn góp.

Theo quy định tại các hợp đồng này, hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực sau khi Toà án Hàn Quốc  chấp nhận và Toà án Việt Nam công nhận. Việc DWS sử dụng các hợp đồng chuyển nhượng để làm thủ tục thay thế P&D và LVC khi hợp đồng chưa được Toà án Hàn Quốc chấp nhận và Toà án Việt Nam công nhận là vi phạm các quy định của hợp đồng.

P&D và LVC đã phá sản nhưng ông Lee Jong Suk không thông báo cho HDTC biết mà vẫn đại diện cho P&D và LVC để họp và lập biên bản họp HĐTV số HĐTV 29 ngày 23/3/2016 nên biên bản này không có giá trị pháp lý vì người xác lập gian dối và không có quyền đại diện để xác lập.

Việc VKHousing ký giấy xác nhận số 01 ngày 30/4/2016 và và giấy xác nhận số 02 ngày 30/4/2016 xác nhận DWS đã hoàn thành chuyển nhượng vốn khi hợp đồng chuyển nhượng vốn chưa được Toà án Hàn Quốc chấp nhận và Toà án Việt Nam công nhận là xác nhận gian dối. Ông Phan Quang Tống cũng khẳng định không ký tên và đóng dấu HDTC vào Quyết định HĐTV 30 2016 ngày 23/4/2016 do VK-Housing xác lập.

HDTC cho rằng trang 2 của quyết định này là trang được làm giả bằng phần đuôi của một quyết định nào đó của HDTC do ông Tống ký rồi kèm theo chữ ký và con dấu của DWS nên Quyết định HDTV 30 2016 là quyết định giả mạo, không có giá trị làm chứng cứ chứng minh.

Đại diện Sở KHĐT Tp.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Vk-Housing thực chất là việc điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho phù hợp với nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã thay đổi mà Phòng đăng ký kinh doanh đã cấp cho VK-Housing, còn việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thay đổi cho Vk-Housing là thẩm quyền của Phòng đăng ký kinh doanh không thuộc thẩm quyền của Sở nên Sở không có ý kiến. Khi có bản án có hiệu lực của Toà án thì Sở thực hiện theo bản án.

Tại Toà, đại diện VKS Tp.HCM phát biểu quan điểm, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, thư ký và Hội thẩm nhân dân đã thực hiện đúng quy định tố tụng. Nguyên đơn thực hiện đúng thủ tục, bị đơn không thực hiện tham gia tố tụng theo triệu tập của Toà án, VK-Housing có đại diện được uỷ quyền nhưng không có mặt tại Toà theo triệu tập của Toà án, xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên VKSND Tp.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Hợp đồng chuyển nhượng không được Toà Hàn Quốc chấp nhận và Toà Việt Nam công nhận

Sau khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra cũng như kết quả tranh luận của các đương sự, sau khi nghe phát biểu của đại diện VKS, sau khi nghị án, nhận định của toà án nguyên đơn và bị đơn là các doanh nghiệp tranh chấp giữa hai bên là tranh chấp pháp sinh trong hợp đồng kinh doanh giữa các bên đang là thành viên công ty với nhau.

Trong các yêu cầu của nguyên đơn có yêu cầu xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của Phòng đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư của Sở KHĐT Tp.HCM. Nguyên đơn là pháp nhân Việt Nam, bị đơn là pháp nhân nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 30, Điểm C khoản 1 Điều 37, điểm C khoản 1 điều 40, khoản 4 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính, tranh chấp giữa hai bên là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết theo theo thẩm quyền sở thẩm TAND Tp.HCM. Xét VK-Housing là công ty được thành lập bởi 3 thành viên gồm HDTC, P&D và LVC theo hợp đồng liên doanh giữa ba bên ký ngày 10/3/2007.

Theo thoả thuận của ba bên tại khoản 10.2 Điều 10 của điều lệ của VK-Housing và điều 8 của Hợp đồng liên doanh thì trong trường hợp một trong các bên liên doanh muốn nhượng phần vốn góp của mình thì phải thông báo bằng văn bản cho bên còn lại.

Trong thời hạn 30 ngày có đề nghị mà bên được đề nghị không đồng ý mua kèm theo kèm theo số tiền cọc tối thiểu là 50% giá dự kiến hoặc một thư tín dụng có giá trị tương đương thì bên chuyển nhượng mới được quyền chuyển nhượng cho đối tác khác.

Việc chuyển nhượng hợp đồng không có đủ điều kiện và trình tự trên đều không có giá trị ràng buộc với các bên liên doanh, đồng thời theo quy định tại Khoản 2, Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2005 là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm Quản tài viên và P&D và LVC ký hợp đồng chuyển nhượng vốn toàn bộ vốn góp của P&D và LVC cho DWS thì thành viên công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày từ ngày chào bán.

Với quy định này thì phần vốn góp của P&D và LVC sẽ không được chuyển nhượng người không phải là thành viên công ty nếu việc chuyển nhượng không thực hiện theo đúng quy định nêu trên. Việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của P&D và LVC cho DWS với số vốn góp này không hề được chào bán cho thành viên công ty còn lại là HDTC là vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo quy định pháp luật vào thời điểm góp vốn của các bên được chuyển nhượng thì giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh thay đổi quyền và nghĩa vụ các bên kể từ thời điểm xác lập (khoản 1, Điều 157, Bộ Luật dân sự 2003).

Mặc dù theo thoả thuận giữa các bên tại Điều 3 của Hợp đồng chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của Toà án Hàn Quốc và công nhận của toà án Việt Nam, nhưng đến nay không có bất cứ tài liệu nào chứng minh các hợp đồng này đã được Toà án Hàn Quốc chấp nhận và được Toà án Việt Nam công nhận.

Nhưng để làm thủ tục thay đổi thành viên, ngày 30/4/2016, VK-Housing vẫn ký Giấy xác nhận số 01 và số 02 xác nhận ngày 16/3/2016 (tức ngày ký hợp đồng chuyển nhượng) DWS đã hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp từ P&D và LVC qua DWS.

Để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, ngày 23/3/2016, ông Lee Jong Suk nhân danh là người được P&D và LVC uỷ quyền, cùng với bà Trần Thị Dương đại diện cho HDTC uỷ quyền được lập theo biên bản HĐTV lần thứ 2 của VK-Housing (ký hiệu là văn bản là HĐTV 29) thông qua việc chuyển tư cách thành viên P&D và LVC sang DWS. Theo nội dung thể hiện tại biên bản này thì căn cứ để chuyển tư cách thành viên là do có phán quyết của Toà án Hàn Quốc cho DWS sở hữu phần vốn góp của P&D và LVC, nhưng thực tế đến nay không có chứng cứ nào chứng minh sự thật là Toà án Hàn Quốc đã có phán quyết như trên.

Dùng người ‘chết’ đi giao dịch?!

HDTC khiếu nại hồ sơ Đăng ký kinh doanh của VK-Housing liên quan đến DWS là giả mạo. Theo Quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005, khi một bên tham gia giao dịch dân sự bị lừa dối hoặc bị đe doạ thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu.

Mặt khác, vào thời điểm Toà án Hàn Quốc ra quyết định tuyên bố P&D và LVC phá sản thì theo quy định tại Điểm B, khoản 1, Điều 99, Khoản 1, Điểm C khoản 2 Điều 148 Bộ Luật Dân sự 2005 thì năng lực pháp luật của P&D và LVC đã chấm dứt, việc ông Lee Jong Suk đại diện P&D và LVC thực hiện giao dịch với HDTC là giao dịch do người không có quyền đại diện.

Theo Quy định tại khoản 2, Điều 145 Bộ luật Dân sự năm 2005, người đã giao dịch với người không có quyền giao dịch có quyền đơn phương chấm dứt việc hoặc thực hiện huỷ bỏ giao dịch dân sự đã được xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết không có quyền đại diện.

Không có căn cứ để chứng minh rằng vào thời điểm tham gia cuộc họp ngày 23/3/2016, đại diện HDTC biết việc P&D và LVC bị tuyên bố phá sản và việc ông Lee Jong Suk làm đại diện cho P&D và LVC là giao dịch của người không có thẩm quyền đại diện.

Khi biết được P&D và LVC bị phá sản, HDTC đã khiếu nại về hồ sơ đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh của VK-Housing liên quan đến DWS là giả mạo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền không công nhận hợp đồng này cũng như các thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh nêu trên.

Do đó, giao dịch giữa các bên xác lập tại biên bản họp Hội đồng thành viên HĐTV 29 ngày 23/3/2016 và các giấy xác nhận ngày 30/4/2016 là giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối và do người không có thẩm quyền xác lập.

Theo quy định tại Khoản 1, điều 137 Bộ luật Dân sự 2005, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Xét các hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên của VK-Housing có Quyết định số HĐTV 30 ngày 23/4/2016 đề tên là quyết định HĐTV về việc điều chỉnh nhà đầu tư P&D và LVC qua DWS, qua xem xét quyết định này và các tài liệu liên quan, HĐXX nhận thấy theo biên bản họp Hội đồng thành viên số HĐTV số 29 ngày 23/3/2016 HĐTV VK-Housing có hai người gồm ông Yeh Ming Yen đại diện cho phần vốn góp của DWS giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV và bà Trần Thị Dương đại diện cho phần vốn góp của HDTC.

Theo quy định tại Điểm D, Điều 57 của Luật Doanh nghiệp 2014 và điểm V khoản 7.4 Điều 7 Điều lệ Vk-Housing thì việc ký kết các quyết định của HĐTV phải do Chủ tịch HĐTV thay mặt HĐTV ký.

Thực tế, để thực hiện thẩm quyền của HĐTV tại Quyết định của HĐTV số 29 ngày 23/3/2016, ông Yeh Ming Yen đã ký tên với chức danh là Chủ tịch HĐTV và đóng dấu của VK-Housing vào phần thay mặt HĐTV tại phần cuối của quyết định này.

Tuy nhiên, tại Quyết định số HĐTV 30 ngày 23/4/2016 gồm hai trang rời, trang đầu ghi DWS là ông Yeh Ming Yen, đại diện HDTC là Trần Thị Dương, nhưng trang sau chỉ có căn cứ Điều 4 của quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, tên và chữ ký con dấu của đại diện HDTC và DWS tại phần cuối bên phải của quyết định này, nơi đáng lẽ ra phải ghi là thay mặt HĐTV với chữ ký là Chủ tịch HĐTV là ông Yeh Ming Yen và con dấu của VK-Housing thì lại được đề tên là HDTC, đóng dấu HĐTV và chữ ký của ông Phan Quang Tống, Tổng giám đốc HDTC, bên cạnh có chữ ký của ông Tống và con dấu của HDTC có phần đề tên DWS và chữ ký đề tên ông Lin Kuo Wei  – Giám đốc DWS kèm theo con dấu DWS được chèn vào góc nhỏ bên trái, không phải là con dấu của VK-Housing và chữ ký của Chủ tịch HĐTV VK-Housing. Do đó việc nghi ngờ trang 2 của Quyết định HĐTV 30 không phải là quyết định của HĐTV Vk-Housing mà được ghép chung với trang 1 bằng cách chèn thêm chữ ký và con dấu của ông Lin Kuo Wei   – giám DWS vào phần cuối của quyết định nào đó của HDTV mà ông Phan Quang Tống đã ký là có căn cứ.

Mặt khác nội dung quyết định của HĐTV 30 là thoả thuận phụ để cụ thể hoá các giao dịch dân sự vô hiệu được xác lập chuyển nhượng vốn và biên bản họp HĐTV số 29 và giấy xác nhận hoàn tất việc góp vốn ngày 30/4/2016. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 410 của Bộ luật Dân sự 2015, sư vô hiệu hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ nên nội dung thể hiện tại quyết định HĐTV 30 giao dịch dân sự vô hiệu, không có giá trị để chứng minh việc chuyển nhượng vốn góp của DWS là phù hợp với quy định của pháp luật.

Xét VK-Housing sử dụng hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 6/3/2016 và các tài liệu trên để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi chủ đầu tư từ P&D và LVC sang DWS là trái với quy định của pháp luật, do đó yêu cầu khởi kiện của HDTC là có căn cứ.

Trong trường hợp Toà án huỷ Giấy chứng đầu tư mới thì Giấy chứng nhận đầu tư cũ đã được cấp đương nhiên được phục hồi nên toà án chỉ cần tuyên huỷ Giấy chứng nhận đầu tư mới mà không cần tuyên khôi phục giấy chứng nhận đầu tư cũ.

Mặc dù ngày 29/9/2017, Phòng đăng ký kinh doanh đã có Quyết định số 790103 thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của VK-Housing và khôi phục lại Giấy chứng nhận đầu tư với người đại diện pháp luật do ông Sukli . Tuy nhiên Giấy chứng nhận này mới bị thu hồi chưa bị huỷ bỏ nên có thể sửa đổi hoặc phục hồi vào bất cứ lúc nào, nên để đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cần thiết phải huỷ bỏ giấy chứng nhận này.

Giao HDTC quản lý VK-Housing

Xét do P&D và LVC đã bị tuyên bố phá sản, không còn năng lực pháp luật để tham gia các giao dịch nên hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa P&D và LVC với DWS là hợp đồng vô hiệu.Vì DWS không phải là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của P&D và LVC nên yêu cầu của HDTC về việc thực hiện quyền quản lý VK-Housing, phần vốn góp của P&D và LVC tại Vk-Housing cho đến khi có người kế thừa thụ hưởng phần vốn góp nêu trên là yêu cầu gắn liền thuộc phạm vi khởi kiện ban đầu đã được toà án thụ lý và đang được xem xét giải quyết.

Đồng thời việc quản lý phần vốn góp và thực hiện các quyền của VK-Housing với tư cách là thành viên công ty, HĐTV công ty liên quan đến phần vốn góp của hai công ty trên theo quy định tại các theo quy định tại Điều 50,51 và 56 Luật Doanh nghiệp 2014; như quyết định chiến lược phát triển và kinh doanh hàng năm của công ty, bầu tín nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐTV, quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng Giám đốc, Tổng giám đốc, kế toán trưởng và các chức danh quản lý khác theo điều lệ hợp đồng.

Tại Khoản 6, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định, trong trường hợp công ty TNHH có hai thành viên, nếu thành viên là cá nhân đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, bị kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi hoặc bị toà án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và các tội khác thì thành viên còn lại đương nhiên là đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp này, thành viên VK-Housing chỉ còn HDTC là người đang tồn tại, P&D và LVC đã bị phá sản nhưng phần vốn góp của hai pháp nhân này chưa có người kế thừa do đó cần thiết áp dụng Khoản 2, Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự về áp dụng tương tự pháp luật để HDTC thực hiện các quyền quản lý VK-Housing, một thành viên liên quan đến phần vốn góp của hai công ty nói trên cho đến khi có người thụ hưởng các phần vốn này theo quy định của pháp luật.

Xét sau khi toà án thụ lý, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu toà án chấm dứt hợp đồng liên doanh của P&D và LVC ngày 10/3/2007, đồng thời yêu cầu Toà án buộc P&D và LVC mỗi bên phải thanh toán cho nguyên đơn một triệu đồng tiền phạt với lý do vi phạm hợp đồng tuy nhiên do yêu cầu này chưa được toà án thụ lý giải quyết đồng thời HDTC đã có văn bản rút lại yêu cầu này nên toà án không xem xét giải quyết.

Do nguyên đơn chỉ yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp với bị đơn về hiệu lực thực hiện đối với các bên tại Việt Nam của hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam mà bị đơn đã dùng xác lập quyền sở hữu của mình tại VK-Housing với tư cách là thành viên công ty nên toà án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu này, các giao dịch về tài sản ở nước ngoài giữa các bên liên quan đến hợp đồng do các bên ở nước ngoài tự giải quyết, không thuộc phạm vi xét xử của vụ án.

Xét với đường lối xét xử vụ án như trên thì việc duy trì theo biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng không còn cần thiết.

Vì các lý do nói trên, quyết định áp dụng Điều 266 và Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, căn cứ Điều 128, Điều 132, Khoản 1, Điều 137, khoản 2 Điều 145, khoản 2 Điều 410 Bộ luật Dân sự năm 2005; căn cứ vào Khoản 2, Điều 26 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn HDTC về việc yêu cầu Toà án không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại VK-Housing từ P&D và LVC qua công ty DWS; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa P&D với DWS ngày 16/3/2016 và hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa LVC và DWS ngày 16/3/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC tại VK-Housing cho DWS là hợp đồng vô hiệu nên không có hiệu lực để thi hành.

Hai, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC về việc huỷ các quyết định hành chính liên quan đến việc sở hữu vốn góp của VK-Housing từ P&D và LVC qua DWS; tuyên bố biên bản họp HĐTV số HĐTV29/2016 ngày 23/3/2016, giấy xác nhận số 01 ngày 30/4/2016 và giấy xác nhận số 02 ngày 30/4/2016 và Quyết định HĐTV 30 ngày 23/4/2016 do VK-Housing xác lập là các giao dịch dân sự vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành; huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KHĐT Tp.HCM đã cấp cho VK-Housing ngày 21/4/2016, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 21623333062 ngày ngày 29/2/2016 của Sở KHĐT Tp.HCM.

Trong thời gian chưa có người kế thừa phần vốn góp của P&D và LVC tại VK-Housing, HDTC có quyền thực hiện quản lý VK-Housing của thành viên công ty liên quan đến phần vốn góp nêu trên; huỷ bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được đã áp dụng thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời số số 30 ngày 23/1/2018 và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 61 ngày 26/2/2018 của TAND Tp. HCM.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN